The Gentlewoman Writer
  • Trang chủ
  • Về tôi – The Gentlewoman Writer
    • BUY ME A TEA
    • Tư vấn 1:1
  • Viết
    • Viết chuyên môn
    • Viết kết nối
    • Viết Kinh doanh
    • Viết phát triển
    • Viết sách
  • Khoá học
    • Đôi nét về Giảng viên
  • Trang Tài nguyên
  • Youtube
  • Podcast
0
Tag:

truyền thông

04 BƯỚC CÔNG CỤ AI GIỚI THIỆU DOANH NGHIỆP BẰNG NỘI DUNG THU HÚT
Viết chuyên môn

04 bước công cụ AI Giới thiệu Doanh nghiệp bằng nội dung thu hút

by Dương My 25/11/2023

Giờ đây, với sự trợ giúp của công cụ AI, không còn việc gì có thể thử thách được bạn cả, kể cả việc phải viết nội dung giới thiệu Doanh nghiệp để chia sẻ trên Website chính thức của công ty, hồ sơ năng lực, bản đề xuất mời tài trợ…

Nếu bạn có một doanh nghiệp mới thành lập và chưa có người chuyên phụ trách viết lách nội dung. Hoặc dù có một bạn trẻ phụ trách việc viết lách giúp, thì phần sườn nội dung chính vẫn phải được bạn cung cấp. Ngặt một nỗi, bản thân bạn thì lại chưa từng làm công việc gì liên quan đến soạn nội dung trước đó, khiến cho chính bạn gặp phải hiện tượng: trong đầu thì nhiều ý tưởng, nhưng lại không biết đặt bút viết xuống thế nào.

Vậy thì không còn cách nào tốt hơn là hỏi các công cụ AI như ChatGPT hoặc Bard Google nhờ soạn thông tin về doanh nghiệp. Việc bạn cần làm lúc này là cung cấp thông tin cho AI càng chi tiết càng tốt. Như thế thì công cụ này sẽ đưa ra kết quả càng phù hợp với nhu cầu của bạn.

Các thuật ngữ về AI cần biết: 

Dành cho những bạn chưa biết, tôi cung cấp nhanh thông tin về các thuật ngữ:

  • Trí tuệ nhân tạo (AI) là lĩnh vực khoa học máy tính chuyên giải quyết các vấn đề nhận thức thường liên quan đến trí tuệ con người, chẳng hạn như học tập, sáng tạo và nhận diện hình ảnh…
  • Chat GPT là gì? Chat GPT là tên viết tắt của cụm từ Chat Generative Pre-training Transformer. Đây là công cụ trò chuyện trực tuyến AI được phát triển bởi công ty OpenAI. Vào tháng 11.2022, công cụ này chính thức được giới thiệu với công chúng trên thế giới.
  • Thông tin chi tiết hơn về công cụ này, bạn có thể tham khảo khoá học của tôi: Làm chủ công cụ ChatGPT

Hoặc có một lựa chọn khác tốt hơn cho bạn: Tôi là giảng viên của Onlinica (trực thuộc VTC Academy) nên được cấp quyền lợi: Bạn vào link tôi đăng kí sẽ được tặng 60 ngày học miễn phí bằng tài khoản VIP trên ứng dụng, được truy cập tất cả khoá học. Link của cô My Dương: http://ldp.to/giangvienonlinica007

Ngoài rất nhiều khoá học đa dạng trải nhiều nhóm ngành; nếu được, hãy chọn học các khoá này để có thêm kiến thức nền tảng cần thiết cũng như ủng hộ tôi 🙂. Bạn sẽ nhuần nhuyễn trong việc dùng công cụ AI để giới thiệu Doanh nghiệp của mình bằng những nội dung thu hút.

Khoá BIÊN TẬP NỘI DUNG THƯƠNG MẠI – LÀM CHỦ CHATGPT (PHẦN 1): link

Khoá BIÊN TẬP NỘI DUNG THƯƠNG MẠI – LÀM CHỦ CHATGPT (PHẦN 2): link 

Khoá THẤU HIỂU INSIGHT – CHINH PHỤC KHÁCH HÀNG: link

Khoá XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC CONTENT MARKETING: link

Tôi đến tham quan văn phòng mới của Onlinica cũng như trao đổi cho một số dự án Onlinica đồng hành cùng My Dương
  • Bard Google: là sản phẩm chatbot trí tuệ nhân tạo được Google cho ra mắt vào đầu tháng 2/2023. Công cụ này được phát triển trên LaMDA (Mô hình ngôn ngữ cho ứng dụng đối thoại) và nền tảng mô hình dữ liệu lớn (Big data).

Khác với đối thủ chatGPT, Google Bard AI sử dụng những thông tin xảy ra sau năm 2021 để cung cấp cho người dùng. Điều này giúp bạn có được những câu trả lời được cập nhất mới nhất và chính xác nhất.

Chatbot Bard AI hoạt động vô cùng đơn giản, khi cần tìm kiếm bất kỳ thông tin gì, bạn chỉ cần gõ văn bản vào hộp chat. Khi đó, Bard sẽ phản hồi lại trong phạm vi hoạt động của nó.

Trong bài viết này, nhu cầu của chúng ta khá cơ bản nên bạn có thể chọn dùng một trong hai công cụ. Tôi lựa chọn dùng Bard Google để mình hoạ.

Bước 1: Chỉ với một câu lệnh ngắn:

Hướng dẫn giúp tôi viết thông tin doanh nghiệp. 

Bạn thấy là Bard đã cho bạn một sườn bài không thể chi tiết hơn, chỉ cần bám theo đúng sườn, bạn liệt kê thông tin ra là đủ để viết bài hoàn chỉnh cho bước tiếp theo.

Bước 2: Hãy theo chỉ dẫn chi tiết tôi soạn bên dưới, bạn điền nội dung tương ứng của công ty bạn vào:

1. Giới thiệu sản phẩm

Tên công ty của chúng tôi là [tên công ty]. Sản phẩm của chúng tôi giúp [khách hàng mục tiêu] [giải quyết vấn đề]. Chúng tôi có [số lượng người dùng] tạo tài khoản mỗi ngày. Tôi cần thiết kế giới thiệu người dùng cho [ngành] cụ thể của chúng tôi. Tôi đánh giá mức độ phức tạp của phần mềm của chúng tôi là [đơn giản/trung bình/phức tạp]

2. Yêu cầu chung

Tôi cần tạo giới thiệu người dùng cho [tên công ty], điều này sẽ giúp tôi thu thập thêm thông tin từ [khách hàng mục tiêu] của chúng tôi và giải thích cách người dùng có thể [giải quyết vấn đề của họ].

3. Vị trí

Tôi nên định vị người dùng giới thiệu phần mềm [tên công ty] của mình ở đâu?

4. Câu hỏi dành cho người dùng của bạn khi lên tàu

Những câu hỏi cần hỏi [khách hàng mục tiêu] khi người dùng của chúng tôi giới thiệu [tên công ty] cho [ngành]? Vui lòng cung cấp các câu hỏi với câu trả lời có thể.

5. Phân khúc khách hàng (Customer Segmentation)

Làm cách nào tôi có thể phân khúc người dùng đăng ký liên hệ [tên công ty]? Tôi nên phân đoạn  cho những nhóm nào, vui lòng cung cấp 5 ví dụ ngắn về các nhóm phân đoạn tốt nhất cho [tên công ty]

6. Kịch bản video

Tôi cần kịch bản cho phần giải thích bằng video dài 1 phút cho phần mềm [tên/loại] công ty của chúng tôi. Vui lòng cung cấp văn bản và mô tả cho hình ảnh.

7. Trang/Bước

Tôi nên bao gồm bao nhiêu bước trong quá trình giới thiệu người dùng sản phẩm của mình để làm cho quá trình này hiệu quả hơn và thu hút người dùng tốt hơn?

8. Hướng dẫn từng bước

Bạn có thể cung cấp ví dụ về hướng dẫn từng bước cho phần mềm [tên/loại] công ty sẽ có trong sản phẩm không?

9. Email giới thiệu

Tôi cần một chiến dịch nhỏ giọt email với 3 email dự thảo ngắn sẽ đưa [người dùng mục tiêu] lên tàu và thuyết phục họ quay lại [sản phẩm của tôi]. Bạn có thể làm cho nó ngắn và sắc nét?

10. Số liệu

Tôi nên đo lường những chỉ số nào để ước tính hiệu quả của quá trình giới thiệu người dùng trong sản phẩm và quá trình giới thiệu người dùng theo trình tự email?

Bước 3:

Bạn hãy copy từng mục vào nhờ Bard viết thành đoạn văn hoàn chỉnh cho bạn.

Tôi sẽ ví dụ trên doanh nghiệp kỳ lân mới chào đời của tôi để bạn dễ hình dung:

Tên công ty của chúng tôi là The Gentlewoman Writer. Sản phẩm của chúng tôi giúp các bạn trẻ đang định hình lối đi trong Marketing biết nên lựa chọn nhánh công việc nào, và trang bị những kĩ năng cần thiết nào để phục vụ công việc đó. Chúng tôi có 20 tạo tài khoản mỗi ngày. Tôi cần thiết kế giới thiệu người dùng cho dịch vụ cung cấp khoá học cụ thể của chúng tôi. Tôi đánh giá mức độ phức tạp của chương trình học tôi cung cấp ở mức căn bản và trung bình.

Và kết quả là:

Đỉnh cao không các bạn, tôi chỉ kịp chớp mắt một cái là có ngay bài viết đầy trang A4.

Bước 4: Hoàn chỉnh

Chỉnh sửa theo từng bước tôi hướng dẫn trong khoá học, để biến nội dung của công cụ AI thành của chính bạn.

Bạn có thể đọc thêm một số bài viết khác hướng dẫn cách sử dụng ChatGPT để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình như: CHATGPT VÀ NGHIÊN CỨU TRẢI NGHIỆM ĐỐI TƯỢNG KHÁCH HÀNG MỤC TIÊU

Chúc các bạn hoàn thiện phần nội dung giới thiệu về doanh nghiệp của mình bằng công cụ AI một cách nhanh chóng, thuận tiện nhé.

Be Gentle,

Loves.

25/11/2023 0 comment
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Viết kết nối

Người làm content writing có lợi thế vượt mặt ChatGPT?!

by Dương My 27/02/2023

Giống như viết lách, sự thấu cảm chẳng phải là một loại tài năng thiên bẩm, content writing có thể rèn luyện phẩm chất này mỗi ngày.

Hôm trước mình đọc được tin này trên Advertising Vietnam đại ý: ChatGPT đã trúng tuyển ở mức L3 cho vị trí kỹ sư phần mềm”. Tại Google, L3 là vị trí Software Engineer, có mức lương trung bình 183.000 USD một năm.

Bài viết cũng nói rằng ChatGPT dễ dàng vượt qua những yêu cầu về kỹ thuật nhưng gặp khó khăn ở các câu hỏi liên quan đến hành vi, kỹ năng mềm. Đây điểm được cho là rào cản lớn nhất để ChatGPT thay thế được hoàn toàn công việc của con người.

Đó là với nhóm công nghệ, còn với nhóm Marketing, Viết thương mại (content writing, copywriting) thì sao?

Trong quá trình nghiên cứu bài giảng cho khoá Biên tập nội dung do ChatGPT tạo ra, tôi đã tìm ra được “điểm đột phá” về việc: những marketer, content writer sở hữu khả năng này thì chắc chắn không cần lo lắng bị máy áp đảo ưu thế.

Mục quan trọng trước tiên content writing nào cũng cần thực hiện

Chính là nghiên cứu thị trường. Mục tiêu quan trọng nhất là gì mà marketer hay content writer nào cũng cần làm công đoạn này trước tiên?

Không phải để lấy dữ liệu, cũng không phải để tập hợp số liệu, mà chính là để hiểu được vấn đề hiện tại của người đọc, thông qua đó tạo ra những content có thể giải quyết vấn đề của khách hàng, giảm bớt gánh nặng, xoa dịu nỗi đau và làm phong phú cuộc sống của họ.

Thật khó để làm được điều đó nếu ta không có cơ hội trò chuyện với đối tượng Khách hàng mục tiêu của mình. Và thể hiện được sự thấu cảm một cách chân thành. Điều này sẽ trả lời được câu hỏi: Tại sao khách hàng chọn bạn (và trang nội dung do bạn cung cấp) chứ không phải là một người khác hay một thương hiệu khác?

Sự thấu cảm: chìa khoá vàng của người làm nghề Content writing

Giống như viết lách, sự thấu cảm chẳng phải là một loại tài năng thiên bẩm. Nó có được là nhờ quá trình đặt tâm vào công việc và trau dồi liên tục. Hẳn bạn đã từng nghe hoặc dùng những cụm “đồng bệnh tương lân” hoặc “tâm ý tương thông” để chỉ việc người này có thể hiểu được ý người kia mà không cần người kia mở lời.

Sự thấu cảm khi bạn là người viết cũng tương tự như vậy, nghĩa là bạn hiểu những gì người đọc của bạn chưa kịp nói ra hoặc chưa kịp hình dung. Bạn có thể gọi ra nhu cầu của họ, thay họ.

Bạn nghĩ có công nghệ, có chiếc máy nào làm được điều đó thay bạn không?

Tôi nghĩ là không, bởi vì sự thấu cảm là một từ được dùng cho con người chúng ta mà thôi.

Thế thì “how to” rèn luyện sự thấu cảm này, cùng tìm hiểu nhé!

Dành thời gian cho khách mua hàng hoặc khách hàng tiềm năng

Có vẻ tôi nói hơi thừa đúng không? Nhưng một thực tế bất ngờ rằng có rất ít người làm content writing chịu tương tác với khách hàng; có lẽ bởi vì họ quá bận với guồng quay công việc, nên thường chỉ ngồi sau màn hình máy tính để tìm kiếm thông tin. Một cách làm không khác ChatGPT là mấy.

Hãy lắng nghe những thắc mắc của khách hàng. Quan sát hành vi của họ. Chú ý đến những vấn đề mà họ hiện gặp phải. “Hãy tìm kiếm thói quen của họ”.

Tôi sẽ dùng ví dụ từ chính việc sản xuất khoá Sales Copywriting của mình nhé. Trước khi thiết kế khoá học, tôi tìm đến các hội nhóm trên Facebook để lắng nghe xem nhu cầu học Copywriting có cao không? Các bạn đang cần học chính xác những nội dung gì liên quan đến viết bán hàng?…

Sau khi tôi thiết kế một bảng câu hỏi, gồm nhiều phần để hiểu rõ hơn về những mong đợi, những điểm cần bổ khuyết của học viên… gởi cho các bạn làm khảo sát. Căn cứ trên kết quả thu về, tôi sẽ thiết kế nội dung bài giảng để đáp ứng tốt nhất những băn khoăn ấy của các học viên tiềm năng.

Tường tận môi trường sống của họ

Ngoài việc tổng hợp từ mỗi nhóm khách hàng bằng các nền tảng nhân tạo hoặc kiểm nghiệm những thứ như trải nghiệm người dùng thì bạn cũng nên sắp xếp gặp mặt những độc giả – người tiêu thụ những mẫu content bạn viết hoặc sử dụng sản phẩm của bạn trong môi trường sống của họ. Hãy trao đổi với họ tại nhà riêng, hoặc tại chỗ làm việc của họ; quan sát xem họ có lướt trang web hoặc ứng dụng của bạn trên điện thoại trong khi đợi mua cà phê không. Làm thế sẽ giúp bạn có một góc nhìn hoàn toàn mới về những gì khách hàng cần ở bạn và content của bạn. Chúng ta không thể nào phát triển lòng thấu cảm mà không hiểu bối cảnh được.

Nội dung này là một phần quan trọng trong nghiên cứu hành vi người tiêu dùng được hướng dẫn rất rõ trong các khoá content writing và copywriting do tôi xuất bản.

content writing hiểu môi trường sống của Khách hàng
Người làm công việc content writing hãy dùng lăng kính của khách hàng khi viết nội dung hướng đến họ

Thường xuyên hoài nghi khi thực hành content writing

Từ để hỏi vô cùng quyền năng là “Tại sao?”. Tại sao hành vi của họ lại như thế này? Tại sao họ lại cảm thấy như vậy?

Vẫn là ví dụ về khoá học Sales Copywriting – Viết bán hàng toàn diện, trong suốt quá trình thiết kế và biên tập bài giảng, tôi liên tục đặt ra câu hỏi “Tại sao” cho chính mình:

  • Tại sao học viên cần phân định rõ Creative Copywriting và Sales Copywriting?
  • Tại sao cần set-up tư duy: Doer hay Thinker cho học viên?
  • Tại sao phải hướng dẫn họ lập kế hoạch viết nội dung?
  • Tại sao cần giúp họ tập viết từ nền tảng?
  • Tại sao “email bán hàng” là một phần rất quan trọng?

Hãy cố gắng đặt ra thật nhiều câu hỏi và nỗ lực tìm ra câu trả lời, trong quá trình đó bạn sẽ biết mình cần bổ sung những gì cho độc giả/ khách hàng tiềm năng của mình.

Đặt nghi vấn về hành vi khách hàng

“Đừng bao giờ tự đề ra giả định rằng bạn biết rõ tại sao người đọc hoặc người sử dụng sản phẩm của bạn lại thực hiện một hành vi nào đó… Có lẽ bạn là một chuyên gia sử dụng những hệ thống phân tích dữ liệu nhằm phân tích mọi khía cạnh trong hành vi của khách hàng khi họ lướt trang web hoặc ứng dụng của bạn. Nhưng những dữ liệu ấy chỉ cho ta biết hành động của khách hàng/ người dùng, thay vì nguyên do đằng sau. Vậy nên hãy đặt câu hỏi. Hỏi nữa. Hỏi mãi, cho đến khi bạn nắm bắt được toàn bộ cục diện những điều mà người khác đánh giá cao cũng như những gì khách hàng cần nơi bạn”.

Chia sẻ câu chuyện, đừng chỉ số liệu

“Nhiều công ty cho lắp đặt khắp văn phòng những bảng thông số cùng các màn hình chỉ hiển thị mỗi số liệu phân tích: Hiện tại có bao nhiêu người đang truy cập trang web, băng thông dữ liệu của ứng dụng, số lượt giao dịch mỗi giờ…”

Vậy những lời phản hồi của số người truy cập trang web hoặc sử dụng sản phẩm của bạn thì sao? Khi sử dụng các công cụ social listening hoặc đọc các báo cáo kết quả trả về sau các chiến dịch quảng bá:

  • Đừng chỉ tập trung vào những kết quả tangible: những số liệu như lượt like, share, comment…
  • Hãy cân nhắc đến những kết quả intangible là những chia sẻ cụ thể đằng sau những con số đó để hiểu thêm những suy nghĩ của khách hàng ẩn sau mỗi hành động đó.

Tôi xin phép thêm vào lối tắt – mẹo lòng thấu cảm ngược – nhằm giúp các bạn thâm nhập được vào lối tư duy của khách hàng.

content writing kể chuyện
Hãy kể những câu chuyện để thu dần khoảng cách với khách hàng của mình

Áp dụng góc nhìn đặt khách hàng làm trung tâm

Hãy thay thế những từ tôi hoặc chúng tôi thành bạn/ các bạn nhằm chuyển đổi sự tập trung sang góc nhìn của khách hàng. Sau đó viết (hoặc viết lại) tương ứng.

Ví dụ 1: Trích từ trang chủ của Kinvey.com

Đặt doanh nghiệp làm trung tâm: Chúng tôi mang lại một giải pháp tăng tốc cho ứng dụng.

Đặt khách hàng làm trung tâm: Triển khai ứng dụng lên điện toán đám mây vào giờ ăn trưa mà vẫn còn thời gian để dùng bữa.

Ví dụ 2: Trích từ Sirius Decisions

Đặt doanh nghiệp làm trung tâm: Chúng tôi là một doanh nghiệp B2B hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu và tư vấn khách hàng. Chúng tôi mang lại những sáng kiến khả thi, những quy trình vận hành và chiến lược, cùng những chỉ dẫn cá nhân đến từ các chuyên gia đầu ngành.

Đặt khách hàng làm trung tâm: Đưa ra những quyết định kinh doanh chính xác hơn nhờ vào insight phù hợp cùng nguồn kinh nghiệm được tích luỹ nhiều năm luôn sẵn sàng phục vụ bạn.

Hay ví dụ từ chính khoá học của tôi: Sales Copywriting – Viết bán hàng toàn diện

Đặt doanh nghiệp làm trung tâm: Một khoá học được thiết kế với những kiến thức nền tảng đầy đủ nhất, vượt trội so với những khoá học hiện có trên thị trường.

Đặt khách hàng làm trung tâm: Một khoá học giúp bạn có ngay một nghề kiếm ít nhất $500 sau 30 ngày.

Hãy nhớ rằng: “Khách hàng không mua sản phẩm để đem lại lợi ích cho doanh nghiệp bạn. Họ mua vì sản phẩm ấy giúp cải thiện cuộc sống của họ. Vậy nên nếu muốn bán một thứ gì đó, bạn phải giải thích cho họ hiểu chúng có ích ra sao.” – theo Nadia Eghbal, đồng sở hữu trường dạy nấu ăn trực tuyến Feast.

Và hơn hết: “Cách hiệu quả nhất để khiến người xem phải tiếp tục đọc là liên tục nói về họ, không phải về bạn.

Be Gentle,

Loves.

27/02/2023 0 comment
0 FacebookTwitterPinterestEmail
cây viết chuyên nghiệp sản xuất nội dung
Viết chuyên môn

12 BÍ QUYẾT SẢN XUẤT NỘI DUNG CỦA CÂY VIẾT CHUYÊN NGHIỆP

by Dương My 04/01/2023

Việc viết một, hai bài viết hoàn toàn không khó với bất kỳ ai, nhưng để duy trì điều đó thì đều cần đến những bí quyết sản xuất nội dung đủ và đúng chất lượng. Đây cũng chính là một trong những khó khăn lớn nhất mà các content marketers gặp phải. Những cây viết chuyên nghiệp là những người có thể duy trì việc viết đều đặn mỗi ngày.

Vì vậy, trong bài viết này, tôi sẽ cùng bạn tìm hiểu 12 bí quyết của các cây viết chuyên nghiệp, bao gồm các mẹo và thủ thuật giúp họ tạo ra một những nội dung chất lượng cao một cách nhất quán.

1. Nghiên cứu – luôn là bước trước tiên của việc sản xuất nội dung

Khi ở trong trạng thái tìm tòi về mọi thứ xung quanh, đầu óc của bạn sẽ được lấp đầy bởi những ý tưởng chuẩn bị cho một bài viết có nội dung tuyệt vời.

Nghiên cứu không chỉ dành riêng cho các việc lập kế hoạch hoặc viết. 

Chất lượng nội dung của bạn sẽ tăng lên đáng kể nếu bạn liên tục tìm tòi về mọi thứ xung quanh mình, khi đó, các ý tưởng sẽ nảy ra trong đầu bạn.

Ngay khi bạn có một ý tưởng, hãy ghi lại những cách bạn có thể phát triển nó.

Việc bắt đầu phát triển ý tưởng của bạn trước khi viết thường dễ dàng hơn là đợi đến lúc viết mới bắt đầu suy nghĩ. Để làm điều đó, ngay khi bạn có ý tưởng, hãy tìm kiếm:

  • Những điểm chính bạn muốn thực hiện trong từng chủ đề
  • Đường link các trang web cung cấp thông tin chính thống, có thể tham khảo 
  • Đường link các trang web minh họa quan điểm của bạn

Bằng cách luôn trong trạng thái nghiên cứu mỗi khi bạn lang thang trên mạng, bạn thường có thể hoàn thành toàn bộ dàn ý của mình trước khi thực sự ngồi xuống và viết.

Ví dụ 1: 

Viết về Copywriting vỡ lòng
– Đây thật sự là gì? Người đọc bị lẫn lộn giữa các khái niệm
– Dành cho nhóm đối tượng nào/ ai có thể học và làm copywriting
– Cần rèn luyện những nhóm kỹ năng nào
– Cần học những kiến thức nào
– Lộ trình ra sao…
Cách tôi thường ghi chú nhanh trong quá trình sản xuất nội dung

Khi bạn có một ý tưởng, bạn thường có một vài “gạch đầu dòng” về những gì bạn muốn nói trong các bài viết đó — một ví dụ bạn có thể đưa ra hoặc một điểm bạn muốn đưa ra.

Đừng chỉ viết ra ý tưởng nội dung của bạn mà hãy viết ra mọi suy nghĩ của bạn về nó, kể cả khi điều đó chưa được xác định rõ.

Ví dụ 2:

6 tiêu chí:
1. Tính đúng đắn của thông tin (Accuracy)
2. Tính thẩm quyền (Authority)
3. Tính cập nhật (Update)
4. Tính khách quan (Objectivity)
5. Tính liên quan (Relevancy)
6. Tính nguyên bản (Originality)
Đưa ví dụ có thể bao trùm toàn bộ các mục

Ý tưởng cho bài đăng này bắt đầu với một ý tưởng đơn giản, “6 tiêu chí đánh giá thông tin và chất lượng nguồn thông tin”.

Để tạo một dàn ý, người viết – trong trường hợp này là tôi, đã nhập các mục tiêu chí đang xem xét (đánh số từ 1 đến 6). Sau đó, mỗi khi duyệt web, nếu tìm thấy một ví dụ hay về một trong số chúng, tôi sẽ nhập URL dưới tiêu đề phụ.

Bằng cách đó, khi đến lúc viết bài, tôi có thể dễ dàng tìm lại các trang Web và tiết kiếm thời gian.

Khi bạn lướt Web, hãy thu thập tài liệu tham khảo.

Đừng chỉ lướt web mà hãy nghiên cứu web. Bất cứ khi nào bạn lên mạng, hãy chú ý đến những tài liệu có thể giúp bạn kể những câu chuyện của mình.

Nếu bạn thấy một bài đăng hoặc bài viết trên mạng xã hội có liên quan đến một chủ đề, hãy lấy link và dán vào ô mà bạn đã liệt kê ý tưởng của mình. Thêm ghi chú để bạn biết lý do tại sao bạn muốn sử dụng tài liệu và cuối cùng khi bạn ngồi xuống để viết, bạn đã hoàn thành phần lớn nghiên cứu của mình.

Sử dụng công cụ để quản lý phần research hiệu quả

Đôi khi, tuy vẫn chưa có ý tưởng nhưng bạn lại thấy một trang web hoặc báo cáo chứa thông tin có giá trị mà bạn có thể sử dụng. Khi bạn nhìn thấy các bài đăng có đề cập đến một điểm sáng nào đó hoặc ý tưởng mới, hoặc nếu bạn chỉ muốn giữ nó như một ví dụ để làm minh hoạ, hãy lưu các trang web đó.

Nhiều người dùng evernote và chia sẻ rằng đây là một công cụ mạnh, thế nên tôi cập nhật đến bạn: Evernote cho phép bạn lưu các trang web vào hệ thống tệp dựa trên công nghệ đám mây. Bạn tạo các thư mục và thẻ, đồng thời đưa vào các ghi chú giúp bạn tìm thấy thông tin đó khi cần sau này.

Đây là kỹ thuật tiên tiến nhất để lưu các trang web để tham khảo sau này. Và điều thú vị là bạn có thể tùy chỉnh trải nghiệm theo nhu cầu của riêng mình.

  • Tạo một thư mục cho mỗi dự án viết.
  • Tạo một thư mục cho từng danh mục mà bạn tạo nội dung.
  • Tạo một thư mục cho từng khách hàng hoặc bộ phận mà bạn tạo nội dung.

Cá nhân tôi dùng notion.so kết hợp Google Drive, tuy chưa phải quá hoàn hảo trong cách lưu trữ và quản lý nhưng tôi thấy khá thoải mái và quen thuộc, cũng chưa thấy cần thiết làm quen thêm một công cụ mới.

2. Viết bằng giọng văn của riêng bạn 

Đừng cố sao chép giọng văn của người khác. Nội dung bạn viết nên có một phong cách riêng, đặc trưng cho cá tính hoặc màu sắc của riêng bạn.

Phát triển giọng văn thôi là chưa đủ, người viết còn cần phải không bao giờ ngừng trau dồi kỹ năng viết của họ. Vậy nên, là người viết nội dung, bạn cũng cần liên tục trau dồi kỹ năng của mình.

Phong cách là tài sản quý giá nhất của một cây viết chuyên nghiệp, và nó sẽ tiếp tục phát triển trong suốt sự nghiệp của bạn.

Lối đi riêng = Phong cách viết + Giọng văn riêng + kỹ thuật viết

“Tất cả chúng ta đều là những người học việc trong một nghề thủ công mà không ai trở thành bậc thầy.“

Ernest Hemingway
cây viết chuyên nghiệp sản xuất nội dung bằng giọng văn riêng
Nội dung bạn sản xuất nên có một phong cách riêng, đặc trưng cho cá tính hoặc màu sắc của riêng bạn.

Cách tìm ra giọng văn của bạn

Bất kể nội dung bạn sản xuất là gì, nội dung đó cần phải mang phong cách hoặc giọng điệu của riêng bạn, chứ không nên giống như một bản sao của người khác. Hãy tham khảo các nhà văn lành nghề để hiểu hơn về thế nào là tiếng nói độc đáo của riêng mình nhé.

Thông thường, các chuyên gia sáng tạo trải qua ba giai đoạn phát triển: bắt chước, làm chủ và cuối cùng là đổi mới.

Hãy bắt đầu đọc và nghiên cứu phong cách của những cây viết mà bạn ngưỡng mộ. Sau đó, sử dụng những gì bạn học được để phát triển phong cách của riêng bạn.

Đây là một bài tập có thể thực hiện qua các bước sau:

  • Tìm 5 người viết nội dung có phong cách mà bạn thích đọc
  • Chọn một tác phẩm tiêu biểu hoặc tác phẩm mà bạn thích đọc từ các tác giả đó
  • Chọn mẫu bài viết yêu thích của bạn trong số năm mẫu viết và đọc chậm, từng chữ, đọc to nếu cần.

Bây giờ hãy thử:

Bước 1:  Viết một bài viết hoặc bài đăng trên blog cho thương hiệu của riêng bạn tương tự như bài viết bạn vừa học. Cố gắng định dạng bài viết của bạn và bắt chước phong cách của nhà văn bạn đã chọn.

Bước 2:  Thực hiện tương tự bài tập này cho bốn bài viết còn lại. Khi hoàn tất, bạn sẽ có năm bài của riêng mình, mỗi bài viết theo phong cách tương tự như một trong những nhà văn yêu thích của bạn.

Bước 3: Chọn một bài dễ viết nhất và nghe giống bạn nhất, khi đọc vào nghe sẽ giống hoặc cảm thấy hơi giống cá tính và phong cách của riêng bạn (hoặc thương hiệu của bạn).

Bước 4: Viết bài viết thứ sáu theo cùng phong cách này, thực hiện một thay đổi nhỏ để làm cho nó nghe giống giọng nói tự nhiên của bạn hơn. Hãy thể hiện cá tính của bạn, cách nói chuyện của riêng bạn, cách nhìn thế giới của riêng bạn. Bạn có thể giữ cấu trúc của nhà văn bạn đã chọn. Hoặc bạn có thể tiếp tục sử dụng một số phong cách của nhà văn nhưng hãy bắt đầu biến nó thành của riêng bạn.

Bước 5: Với mỗi bài báo bạn viết, hãy điều chỉnh phong cách được áp dụng này thêm một chút cho đến khi nó bắt đầu trở nên độc nhất đối với bạn. Mục tiêu của bạn là để ai đó nói: “Khi tôi đọc các bài đăng của bạn, tôi có thể nghe thấy bạn nói.”

Những nội dung này tôi dành hẳn một module riêng để trình bày trong khóa học Viết nội dung tiếp thị.

3. Nói về một điều duy nhất khi sản xuất nội dung

Mỗi phần nội dung chỉ nên có một luận điểm duy nhất. Điều đầu tiên bạn nên làm khi ngồi viết là tìm ra điểm mấu chốt của bạn là gì.

Sau khi bạn viết, vòng chỉnh sửa đầu tiên là để đảm bảo bài viết của bạn đi đúng hướng. Bất kỳ từ, câu hoặc đoạn nào vi phạm quy tắc này đều phải bị xóa — bất kể bạn thích nó đến mức nào.

4. Độ sâu và độ dài phải phù hợp

Có hai điều làm cho nội dung của bạn khó đọc. Một là không đưa ra đủ chi tiết và chỉ đưa ra một ý tưởng không chính xác. Hai là cố gắng cung cấp quá nhiều chi tiết. 

Cho dù bạn muốn nội dung của mình dài hay ngắn, hãy đảm bảo rằng bạn chỉ đi sâu trong phạm vi độ dài cho phép.

  • Các bài báo ngắn chỉ nên cung cấp một cuộc thảo luận sâu về chủ đề của bạn hoặc đưa tin chuyên sâu về một khía cạnh của chủ đề đó.
  • Nội dung dài hơn cần thêm không gian để cung cấp thêm chi tiết.

Độ dài nào cũng có thể chấp nhận được. Điều quan trọng là bạn hiểu độc giả của bạn muốn gì, cảm thấy thoải mái với độ dài nào và từ đó cung cấp độ sâu cũng như độ dài phù hợp để thu hút họ.

5. Tìm một góc nhìn độc đáo để bao quát chủ đề của bạn

Mỗi phần nội dung đều có ĐỀ TÀI, LUẬN ĐIỂM và QUAN ĐIỂM.

Bạn có thể đề cập đến một chủ đề thịnh hành mà các nhà sản xuất nội dung khác cũng đang viết về nó, nhưng hãy đảm bảo rằng bạn chỉ thêm vào chứ không lặp lại. Hãy cố gắng đưa ra một điểm mới hoặc tìm một góc độ độc đáo để nói về chủ đề này.

Chi tiết về mục này được trình bày khá chi tiết trong khoá học content marketing.

6. Dành nhiều thời gian cho tiêu đề

Ngay cả những nội dung thú vị, có giá trị nhất cũng sẽ bị bỏ qua nếu tiêu đề không kết nối với độc giả. Tiêu đề của bạn phải tạo ra sự quan tâm và dự báo thông tin mà mọi người sẽ tìm thấy khi họ nhấp vào.

10 loại tiêu đề có xu hướng hoạt động tốt là:

# trong số [Điều gì đó hữu ích hoặc thú vị]

Danh sách đứng đầu]

Cách [Làm điều gì đó hữu ích hoặc thú vị]

[Tên thương hiệu hoặc người nổi tiếng] [Làm điều gì đó mà người đọc muốn làm]

Tốt nhất của [Danh mục hoặc Loại]

Tại sao [Cái gì đó] lại [như vậy]

Phỏng vấn [Người nổi tiếng]: [Chủ đề hoặc tiêu đề thú vị]

Tin tức

Tin nóng hổi

Bí mật của [Điều gì đó chúng tôi sắp biết]

Tải ngay ebook những tiêu đề kinh điển.

thuận lợi cho quá trình sản xuất nội dung bài viết của bạn
Có một tiêu đề hấp dẫn sẽ là bàn đạp thuận lợi cho quá trình sản xuất nội dung bài viết của bạn

7. Gây ấn tượng từ câu đầu tiên

Bạn có khoảng ba giây để thu hút người khác đọc nội dung của bạn. Sau tiêu đề, câu đầu tiên của sẽ làm việc đó. Tiêu đề và câu đầu tiên của bạn sẽ đưa người đọc đến điểm chính một cách trôi chảy. Nhưng hãy nói điều gì đó khiến mọi người chú ý. Bạn có thể dẫn câu quotes, bài hát, hay một nội dung nào đó đang trending nhằm thu hút ấn tượng ngay từ đầu.

Bên dưới là một vài ví dụ từ các cây viết có tiếng:

  • Trong kinh doanh, điều quan trọng là học hỏi từ những sai lầm của bạn.
    Babar Suleman
    Là một độc giả, tôi nghĩ, “Sai lầm? những sai lầm gì? Có lẽ tôi đang làm một cái…” Một chút nghi ngờ đó tạo ra sự tò mò.
  • Vì vậy, bạn nhận thấy, eh?
    Russ Henneberry
    Các giai điệu là bình thường và vui vẻ. Tôi nghĩ, “Nhận thấy cái gì?” Và tôi vào bài báo.
  • Muốn có kết quả tốt hơn trên các trang đích (landing page) của bạn?
    Kathryn Aragon
    Bạn thường nghe rằng không bao giờ nên đặt câu hỏi có/không. Người đọc có thể nói không và tiếp tục. Nhưng trong trường hợp này, mọi người đều muốn kết quả bán hàng tốt hơn, vì vậy đó là một câu hỏi an toàn.

8. Tạo ra một mở đầu không thể cưỡng lại

Phần mở đầu là phần giới thiệu bao quát nội dung sẽ đề cập trong toàn bài. Đối với những bài báo rất ngắn, nó có thể là một hoặc hai đoạn đầu tiên. Đối với sách, nó có thể là chương đầu tiên. Nhưng đối với hầu hết nội dung, đó là 100-600 từ đầu tiên, phần nêu ra quan điểm của bạn. Lời dẫn của bạn phải hấp dẫn mà không quá dài.

Bạn có thể bắt đầu với:

  • Câu chuyện hấp dẫn
  • Sự thật ít được biết đến
  • Quan điểm trái ngược
  • Lời hứa về thông tin không có ở nơi nào khác
  • Tin nóng hổi

9. Không nên cường điệu, hãy làm cho nội dung của bạn đáng tin cậy

Độc giả của bạn không muốn lãng phí thời gian vào nội dung không chính xác, đọc xong không những không giúp ích gì còn khiến họ cảm giác bị “tung hỏa mù”. Vì vậy, hãy nhớ quy tắc là: không cường điệu và tôn trọng quyền tác giả.

Không cường điệu.

Cường điệu có xu hướng khiến mọi người cảm thấy như họ đang bị thao túng — và không ai thích điều đó.

Mục đích chính của việc sản xuất nội dung để giúp người đọc hiểu rõ bản chất của một vấn đề nào đó và tăng thêm giá trị cho cuộc sống của họ. Vì thế đừng cố làm cho mọi thứ trở nên màu mè không cần thiết.

Tôn trọng quyền tác giả.

Mọi người sẽ chỉ xem nội dung của bạn là nguồn tài nguyên nếu họ có thể tin tưởng bạn. Đó là lý do vì sao bạn nên nghiên cứu thật kỹ trước khi viết về chủ đề nào đó.

Nếu bạn trình bày một sự thật hoặc con số ấn tượng nào đó, hãy cho độc giả biết bạn lấy những thông tin đó từ đâu. Nếu bạn trích dẫn từ ai đó hoặc tham khảo một cuốn sách hoặc báo cáo, hãy ghi tên tác giả.

Hãy để mọi người ngày càng tin tưởng bạn — nếu không họ sẽ ngừng đọc và rời đi.

10. Kết thúc cũng quan trọng như mở đầu

Nội dung tốt cho người đọc biết: ai, cái gì, ở đâu, khi nào và tại sao. Nội dung tuyệt vời sẽ trả lời cho câu hỏi “vậy thì sao”. Đừng để nội dung của bạn gây mất hứng chỉ vì bạn hết ý tưởng.

Khi kết thúc mỗi phần nội dung, hãy tóm tắt điểm chính, sau đó cho độc giả biết họ sẽ nhận được lợi ích như thế nào từ thông tin bạn cung cấp.

Nếu có thể, hãy đi hết một vòng bằng cách liên hệ, gắn nó trở lại với điểm chính mà bạn đã đưa ra ở phần dẫn nhập ban đầu.

11. Viết đơn giản là cách hữu hiệu nhất xuyên suốt quá trình sản xuất nội dung

Nếu từng post bài lên nền tảng web blog, bạn sẽ biết có tiêu chí Google chấm điểm bài viết của bạn, đó là SEO và “tính dễ đọc của văn bản”. Với SEO thì gần như đã có công thức, bạn cứ tuân thủ đúng hướng dẫn thì bài viết của bạn sẽ được chấp nhận. Còn “tính dễ đọc” thì có vẻ khó hơn đôi chút. 

Hãy nhớ rằng, chúng ta đã qua rồi thời đi học văn những năm phổ thông, phải dùng nhiều dạng câu ghép, phức thật dài để thực hành bài tập được giao. Nội dung trên nền tảng kỹ thuật số càng không vận hành theo cách ta đã học để viết trong lớp học Văn. “Ngắn gọn và đơn giản hơn” là câu thần chú để giúp bạn thuyết phục người khác đọc nội dung của bạn. 

Mẹo cho bạn:

  • Đoạn văn: Tối đa 6 dòng
  • Câu: Tối đa 25 từ

Chỉnh sửa. Chỉnh sửa. Chỉnh sửa.

Bài viết tuyệt vời không bao giờ có ngay từ bản nháp đầu tiên.

Bản nháp đầu tiên thường chỉ để tìm ra cách diễn đạt ý tưởng của bạn thành câu từ, được viết xuống. Do đó, chúng hầu như luôn luôn không phải là bản hoàn hảo nhất. 

Nội dung tuyệt vời sẽ được sản xuất ra trong giai đoạn chỉnh sửa. Vì vậy, khi viết:

  1. Hãy viết ý tưởng của bạn xuống.
  2. Viết nhanh để bạn có thể theo kịp ý tưởng của mình. Tuyệt đối không chỉnh sửa.
  3. Sau đó, nỗ lực hết sức vào việc chỉnh sửa/ biên tập.

Và đừng chỉ chấp nhận một vòng chỉnh sửa. Để có bài viết chất lượng cao, bạn sẽ cần trải qua nhiều vòng đánh giá và biên tập lại. Sẽ có bài viết chi tiết hơn về phần này.

12. Dịch nội dung “được viết” sang “phương tiện truyền thông mới”

Trên thực tế, tất cả các phương tiện truyền thông đều bắt đầu với một ý tưởng được diễn đạt bằng lời. Vì vậy, ngay cả khi câu chuyện được trình bày dưới dạng podcast hoặc video, nội dung vẫn phải được sắp xếp hợp lý dựa vào các cấu trúc cơ bản được sử dụng bởi những người viết nội dung.

Vì vậy, làm thế nào để bạn biến lời nói của mình thành phương tiện mới thay vì một phần nội dung bằng văn bản? Đây là quá trình:

  1. Xác định chủ đề và ý tưởng lớn của bạn.
  2. Chọn hình thái nội dung (format of content) bạn sẽ sử dụng để trình bày ý tưởng của mình.
  3. Nghiên cứu, phác thảo và hoàn thiện bản trình bày của bạn.
  4. Quyết định phương tiện tốt nhất để cung cấp thông tin của bạn.
  5. Tạo nội dung của bạn
  6. Chỉnh sửa, tinh chỉnh, cải thiện

Bạn thấy nhà nhà người người làm video, dạng dài dạng ngắn, 6s 15s 30s đủ cả. Bạn không đủ nguồn lực để làm video nên vô cùng lo lắng mình trở nên “lạc loài”.

Đừng quá lo lắng về điều đó. Hay ưu tiên cho việc bắt đầu tạo nội dung – ở bất kỳ định dạng nào phù hợp với bạn. Vì vậy, hãy sáng tạo. Kể những câu chuyện của bạn. Nói về sản phẩm và dịch vụ của bạn. Thu hút độc giả của bạn. Theo cách bạn tự tin nhất.

Bài viết dịch từ sườn: https://www.quicksprout.com/content-writing-secrets-of-professional-writers/ và được tác giả biên tập, thêm ví dụ phù hợp với người Việt.

Be Gentle,

Love.

04/01/2023 0 comment
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Viết chuyên môn

Đừng làm freelancer fulltime, chỉ vì ai đó bảo bạn nên như thế

by Dương My 07/12/2022

Bài viết dành cho những bạn trẻ cô đơn vào đời, mơ màng bước vào thị trường lao động và có ý định làm freelancer fulltime vì… nghe nhiều người nói làm vậy ngon ăn lắm.

Bạn đã nghe rất nhiều người cổ vũ, thậm chí cổ xuý cho việc nên trở thành freelancer toàn thời gian. Nhưng chắc các bạn trẻ quên nhìn lại background, nền tảng của những người đang cỗ vũ các bạn, nói ra rả vào tai bạn mỗi ngày “Hãy làm freelancer đi, sướng lắm, tự do lắm, nhiều tiền lắm” là ai. Tôi có thể chắc chắn với bạn rằng 99% trong số đó đều từng lăn lộn ở các doanh nghiệp, lớn có nhỏ có; đều kinh qua các vị trí chuyên môn lẫn quản lí, có thành tích tương đối, có quá khứ vẻ vang trước khi “rửa tay gác kiếm” để an tâm làm freelancer toàn thời gian.

Họ nói rất nhiều về ưu điểm của việc trở thành freelancer fulltime, ví dụ như:

  1. Thời gian linh hoạt
  2. Làm việc sáng tạo
  3. Có thể chủ động lựa chọn KH và đội nhóm làm việc cùng
  4. Không bị micro-management, hoặc bị kiểm soát bởi những Sếp không ra gì
  5. Thu nhập không giới hạn, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu

….

Tuy nhiên đó có phải là toàn bộ sự thật?! Nếu đứng ở góc độ vi mô của người lao động trẻ lẫn góc độ vĩ mô của nền kinh tế thì đều không ổn.

Tính chất công việc giúp tôi “đi đi lại lại” giữa môi trường Tập đoàn – Doanh nghiệp SMEs – Trường Đại học, Học viện. Tôi có cơ hội được nghe nhiều lời tâm sự khi các bạn sinh viên, bạn trẻ mới ra trường, hoặc muốn đổi ngành đến xin lời khuyên về tư vấn, hướng nghiệp trong ngành Marketing.

Có hôm một em gái nhỏ chia sẻ với tôi thế này: “Em học xong cấp 3 và quyết định làm freelancer toàn thời gian, sống cuộc sống như em muốn. Xong sau đó em thấy rất khó khăn vì chưa có nhiều kinh nghiệm. Em quyết định quay lại học Cao Đẳng (thay vì học Đại học) để có thời gian làm freelancer được tốt hơn. Chị thấy em nên làm thế nào là tốt nhất ạ?”. Thật lòng là nghe em ấy nói xong tôi muốn té ngửa. Ai lại đi tiêm vào đầu một bạn trẻ 18, 19 tuổi cái suy nghĩ không đi học và làm freelancer để có tương lai như mình mong muốn. Điều này cũng tệ tương tự như có thời gian nhiều tờ báo mạng lên mấy bài kiểu như “Bỏ học, kiếm tiền trăm tỉ tậu xế sang”, “Không cần học đại học, cô gái kinh doanh thành công tháng kiếm trăm triệu”. Thế giới đang phổ cập giáo dục lên đến bậc Thạc sỹ, đây lại có một bộ phận người cổ xuý cho việc ít học đi. Thua!

Liệu có nên làm Freelancer fulltime khi còn quá trẻ
Tính chất công việc cho tôi có cơ hội được lắng nghe nhiều băn khoăn từ các bạn trẻ, các bạn sinh viên

Tôi có cơ hội đọc được bài phỏng vấn rất hay do Advertising Việt Nam thực hiện với Tiến sỹ Trần Văn Thông – giảng viên ĐH Nhân Văn, Tp.HCM. Có đoạn Thầy chia sẻ như sau khi được hỏi về: “Rất nhiều bạn trẻ rất yêu thích công việc freelancer, vậy tại sao Tiến sĩ lại cho rằng freelancer là một cái bẫy?”

“Khởi nghiệp có thể xé nát nguồn nhân lực trẻ ra. Tôi không phủ nhận khởi nghiệp là tốt nhưng phải có cơ sở vững vàng chứ không phải vì nghĩ ra một ý tưởng nào đó mà “quay xe" đi khởi nghiệp. Freelancer, với tôi mà nói cũng chính là một cái bẫy.

Vì freelancer sẽ tách người trẻ ra khỏi hệ sinh thái nghề nghiệp. Người làm công việc freelancer giống như một cái cây lẻ loi bị tách ra khỏi môi trường, họ vẫn có thể hoạt động và tồn tại nhưng không phát triển theo chuyên môn, theo chiều sâu.

Cái bẫy ở đây chính là freelancer cho phép người trẻ linh hoạt thời gian, vẫn có thu nhập và công việc, thế nhưng họ sẽ không có sự nghiệp đúng nghĩa. Tôi cho rằng Gen Z đang có những tiêu chí xã hội rất khác so với những thế hệ còn lại. Họ muốn xã hội đáp ứng những nhu cầu cá nhân như sức khỏe tinh thần, tự do sáng tạo, tự chủ thời gian,.... Và khi các doanh nghiệp không đáp ứng được thì một trong những điểm đến của họ chính là freelancer. 
Thế nhưng, nếu người trẻ chỉ có một vài kĩ năng, một vài năng lực nhỏ mà đã tách mình ra khỏi hệ sinh thái và cứ lơ lửng như vậy thì cũng chỉ tồn tại được trong một đoạn thời gian ngắn.”

Những bạn trẻ vừa ra trường, hoặc mới ra trường chỉ 1 vài năm đã vội vã trở thành freelancer toàn thời gian thì quả thật rất phí."

Tôi nghĩ câu các em nên hỏi là “Em nên làm freelancer khi nào? Dựa trên những nền tảng gì?”. Bởi khi hỏi câu: “Em có nên làm freelancer fulltime hay không?”. Thì tôi không ngần ngại trả lời là: “Không nên”.

Vì sao vậy? Tôi xin liệt kê một vài lý do nổi bật liên quan đến cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Bạn sẽ đánh mất nhiều cơ hội vươn tầm bản thân khi làm freelancer fulltime quá sớm

Khi làm trong Doanh nghiệp, các em sẽ có cơ hội gặp được những anh chị ở những vị trí cao, tầm nhìn lớn và phong thái làm việc đỉnh đạt từ nhiều phòng ban khác nhau. Các anh chị ấy phụ trách những vị trí khác nhau, kinh nghiệm tích luỹ, góc nhìn, quan điểm, phong cách làm việc đa dạng… Khi tiếp xúc với họ trong quá trình làm việc sẽ giúp các bạn có cái nhìn đa chiều, đứng ở nhiều góc độ để nhìn nhận một vấn đề. Không bị “Thầy bói mù xem voi”.

Nếu làm trong các Tập đoàn đa quốc gia, các bạn còn có cơ hội họp hành và làm việc cùng các thành viên ở các nước khác. Có những dịp được họp với những anh chị level cao từ Regional, Global sang… sẽ có lúc bạn cảm giác “sao mình ngu thế” nhưng lại rất sung sướng vì điều ấy. Bởi lúc đó bạn nhận ra mình sẽ học được nhiều thứ và nâng cấp bản thân mình lên cao.

“Thà làm cái đuôi con rồng còn có ngày được bay lên trời, hơn là làm cái đầu con tôm, cả đời cắm xuống đất”.

Bản thân tôi từ những năm sinh viên đều tâm niệm như vậy
Làm freelancer fulltime có phải là con đường sự nghiệp lâu dài của bạn trẻ?
Các bạn trẻ cần có suy nghĩ về hai khái niệm “công việc” – “sự nghiệp” trước khi đưa ra quyết định lối đi cho chính mình

Kiến thức, tài nguyên được “cho không”

Khi làm trong các tổ chức luôn có hoạt động đào tạo, đào tạo nội bộ hoặc thuê ngoài. Các doanh nghiệp càng lớn thì càng chú trọng phần này. Có những chương trình học về kỹ năng mềm, kỹ năng cứng, nghiệp vụ… rất hay mà chỉ có Doanh nghiệp mới đủ khả năng tài trợ cho nhân viên được hưởng quyền lợi đó.

Hay như có những chương trình đào tạo về code of conduct – chuẩn mực hành vi ứng xử, hầu hết mọi người cảm giác phải học như bị ép buộc, nhưng cá nhân tôi thấy rất cần. Học để giúp những người “chân lấm tay bùn” biết đường mà hội nhập với môi trường quốc tế.

Nhiều nhóm kỹ năng được rèn giũa

Làm công việc nào cũng vậy, kỹ năng chuyên môn/ kỹ năng cứng là một phần nhỏ trong tất cả những gì ta cần để phát triển nghề nghiệp. Môi trường doanh nghiệp sẽ là nơi tuyệt vời để bạn trau dồi, thực hành những bộ kỹ năng khác, ngoài chuyên môn. Có thể kể đến như làm việc nội bộ, làm việc liên phòng ban, làm việc với khách hàng, đối tác, nhà thầu; làm việc với các team ở các nước khác…

Nếu tách mình ra khỏi môi trường này, freelancer fulltime không có nhiều điều kiện để trải nghiệm, thử thách và rèn luyện những kỹ năng giúp bạn hoà nhập và phối hợp. Bắt đầu công việc tự do khi còn quá non trẻ, bạn chưa biết cuộc đời khắt nghiệt thế nào và cách ta đối phó với chúng ra sao. Có nhiều trường hợp khách hàng thấy bạn chưa có kinh nghiệm, dễ bắt nạt còn quỵt tiền, chèn ép và không thanh toán cho bạn nữa.

Cơ hội mở rộng nghề nghiệp về lâu dài

Không mấy ai trong chúng ta có thể chắc chắn con đường mình chọn năm 18, 22 tuổi là con đường mình sẽ đi cả đời. Có những giai đoạn bạn sẽ cực kì thích làm chuyên môn, nhưng có khi bạn muốn làm Tư vấn, Cố vấn, Đào tạo;

Ở vai trò người làm việc ở Client side tại các Tập đoàn, tức là bên thường mời/ thuê mướn các bên cung cấp dịch vụ… chúng tôi thường review rất kĩ background, credential/ Hồ sơ năng lực của các bên cung cấp dịch vụ.

Client có kí hợp đồng với Freelancer không? Có chứ, nhưng chỉ dừng lại ở các hạng mục nhỏ, rời rạc, ví dụ như vài bài PR, vài file thiết kế, ai làm tốt lắm thì một dự án tầm 3 tháng…Rồi thôi. Chúng tôi không bao giờ giao những dự án lớn cho một cá nhân hay team freelancer nào cả. Vì liên quan đến thủ tục xét duyệt năng lực nhà cung cấp, tư cách pháp nhân, khả năng về vốn, bồi thường thiệt hại (nếu phát sinh).

Hay như các bộ phận Đào tạo, Nhân sự trong công ty cũng thường ký với các Học viện để cung cấp dịch vụ Training. Nếu có mời cá nhân là Chuyên gia, thì cũng là những anh chị với thành tích cộm cán sau nhiều năm làm nghề, được chứng thực qua các công ty, tổ chức anh chị ấy từng làm.

Thế thì việc làm freelancer fulltime từ những ngày đầu ra trường không có một ai dùng giấy trắng mực đen chứng thực cho bạn, để sau này bạn đủ khả năng cung cấp những dịch vụ cao cấp hơn giúp nâng vị thế mình lên cả.

Khi các bạn lựa chọn lối đi, cần tỉnh táo cân nhắc trên nhiều khía cạnh, đừng chỉ thấy cái lợi trước mắt

Cơ hội học lên cao

Một trong những tiêu chí xin học bổng khi đi học Master chính là có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm làm việc trong các tổ chức liên quan đến chuyên ngành bạn đang muốn học.

Thậm chí có nhiều quốc gia khi xét VISA cấp cho du học sinh, họ không tin những giấy tờ nhà đất khi bạn nộp trong bộ hồ sơ. Họ chỉ tin giấy tờ đóng dấu Bảo hiểm Xã hội thể hiện quá trình tích luỹ của bạn mà thôi. Mà giấy đóng Bảo hiểm Xã hội từ đâu mà có? Từ chính những công ty bạn làm việc, họ có nghĩa vụ đóng để bảo vệ quyền lợi của người lao động là bạn.

Hay đến giai đoạn mở công ty, thành lập Doanh nghiệp

Tôi nghĩ nhé, đâu ai làm freelancer fulltime cả đời, rồi sẽ đến lúc bạn muốn vươn mình lên hoặc đơn giản vì Doanh nghiệp thuê mướn dịch vụ từ bạn cần bạn xuất hoá đơn thì mới có thể chi những khoản Hợp đồng lớn.

Thế thì, chỉ với kinh nghiệm chuyên môn không thể nào đủ để bạn có thể duy trì hay phát triển một công ty cả.

Khi đã từng làm những Doanh nghiệp đầy đủ phòng ban chức năng, phân chia nhiệm vụ công việc cho các vị trí, có quy trình làm việc phối hợp, có hệ thống vận hành… bạn sẽ có cái nhìn đầy đủ hơn để chuẩn bị cho tương lai nếu bạn muốn phát triển lên làm chủ doanh nghiệp.

Tôi đã từng gặp những người chủ Doanh nghiệp với tiềm lực kinh tế từ gia đình rất lớn, cứ tốt nghiệp ra trường là cầm cọc tiền mở công ty nhưng thua lỗ triền miên. Bởi họ chưa từng đi làm ở đâu cả, không có chuyên môn cụ thể, cũng chưa từng làm tốt vị trí quản lý, chưa từng va chạm trong môi trường Doanh nghiệp. Thì lấy đâu ra kinh nghiệm mà điều hành công ty.

Phóng lao thì phải theo lao, họ được gia đình bơm tiền nên cứ đốt tiền như công tử Bạc Liêu nấu trứng vậy. Bạn nghĩ trong chúng ta có được mấy người có tiền để đốt?! Mà thật ra cũng chỉ nên tự đốt tiền mình, lớn rồi ai lại xài tiền cha mẹ nhỉ 😉

Những vấn đề khác ngoài con đường sự nghiệp, việc đi làm ở các tổ chức, có hợp đồng lao động cũng giúp các bạn thuận lợi hơn khi:

  1. Bạn muốn vay mua nhà, mua xe không có hợp đồng lao động thì thôi đành quên đi
  2. Bạn muốn xin VISA đi các nước châu Âu, HongKong… hợp đồng sẽ giúp bảo chứng cho việc “bạn đi rồi sẽ quay về”
  3. Bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, thai sản… càng cần thiết với người lao động, đặc biệt là với nữ giới.

Còn mục rất quan trọng nữa là thu nhập, vì thu nhập là yếu tố “confidential”, không ai công khai thu nhập thật sự từ công việc của mình cho người khác xem cả. Chính vì thế nên tôi không nói nhiều về phần này để tránh phiến diện. Tuy nhiên tôi đã từng nghe một số người em kể là thu nhập thật sự từ công việc freelancer toàn thời gian không đủ để em ấy duy trì cuộc sống như mong muốn, muốn dư dả thì làm luôn cả những việc “không minh bạch, không thể công khai”.

Làm thế nào mới tốt cho sự nghiệp lâu dài?

Lý tưởng nhất, và cũng là toàn vẹn nhất cho các bạn về nhiều mặt thì tôi xin đưa ra gợi ý như sau:

Bạn có công việc chuyên môn tại một tổ chức chuyên nghiệp

Điều này giúp bạn có thể giữ bản thân ở trạng thái cập nhật liên tục; tăng mức độ uy tín cho profile cá nhân; có thu nhập và các khoản bảo hiểm.

Song song đó tích luỹ thêm nghiệp vụ chuyên môn, những bộ kỹ năng khác từ việc làm freelancer.

Khi này vừa có thể tăng thêm thu nhập, vừa khai thác mối quan hệ giữa hai nhóm công việc qua về cho nhau.

Có một sự thật là nếu bạn làm Doanh nghiệp một thời gian đủ dài, bạn chuyển dần sang làm freelancer fulltime thì rất tốt, chẳng ai làm khó gì bạn cả.

Nhưng nếu ngược lại, tỉ lệ thành công không quá 1%, nhất là khi thời gian làm freelancer fulltime của bạn càng dài, thì cơ hội càng gần về 0.

Freelancer fulltime

Thế thì, có lúc nào nên trở thành freelancer fulltime không?

Có chứ, đó là khi bạn “đủ lông đủ cánh”, mạnh cả tiếng lẫn tiền, thì lúc đó dù làm việc tự do nhưng cái thế của bạn khác lắm. Và quan trọng là, hãy trở thành freelancer fulltime khi và chỉ khi bạn sẵn sàng, về mọi mặt. Đừng vì chị A bảo thế, anh B khuyến khích thế. Họ không sống thay bạn, không chịu trách nhiệm cho sự nghiệp của bạn nếu chẳng may nó dang dở.

“Luôn cẩn trọng với mọi lời khuyên – ngay cả những lời này”

– Carl Sandburg –

Mình hay nói với các bạn trẻ là “Nghe ai khuyên thì nghe ít thôi, phải tỉnh táo nhìn nhận từ nhiều góc độ, đừng tin hoàn toàn, vì thiệt thòi là bạn nhận lấy.”

Be Gentle,

Love.

07/12/2022 0 comment
2 FacebookTwitterPinterestEmail
corporate life - ưu và khuyết
Viết kết nối

CORPORATE LIFE – ƯU VÀ KHUYẾT

by Dương My 10/10/2022

Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi phải cảm ơn 10 năm làm việc ở các Corporate – các tập đoàn lớn. Thế thì, corporate life cho tôi được những gì?

Hôm nay không chỉ là ngày tròn trịa, đẹp về nghĩa đen mà với tôi cũng thật trọn vẹn khi nhận được lời mời nhận dự án chính thức từ Giám đốc Điều hành, trở thành Chuyên gia của BGS Global, tư vấn và huấn luyện tại các Doanh nghiệp SMEs.

Đây là cột mốc ghi nhận đáng kể cho một thời gian dài không có cuối tuần, thức khuya dậy sớm như nông dân đúng nghĩa. Vượt qua vòng xét hồ sơ năng lực, phỏng vấn 1 chọi 7-8 để tìm ra người phù hợp, tôi được xuất hiện trong lớp học cùng 3 người chị khác. Suốt thời gian đào tạo tại đây, tôi được học trực tiếp với chính Chủ tịch BrainGroup, một người Thầy có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo và tư vấn cho các Doanh nghiệp Top 500. Sau đó là phần Thi sát hạch kéo dài trong 2 tuần để đảm bảo chuyên gia đã được trang bị đủ, đáp ứng kiến thức và kĩ năng cho các phần Training & Coaching khi đến với Doanh nghiệp.

Một trong những điều kiện để trở thành chuyên gia là ở độ tuổi từ 35 trở lên để đảm bảo nền tảng nghề nghiệp đủ đáp ứng yêu cầu của vị trí. May mắn là với những gì tôi đã tích luỹ được, tôi được đặc cách xét duyệt về độ tuổi, trở thành người trẻ nhất trong hàng ngũ Cộng đồng Chuyên gia của BGS Global (tính đến lúc này).

corporate life cho tôi được những gì?
Những thành viên trong cộng đông Chuyên gia BGS Global

Corporate life giúp trang bị tác phong và tư duy tốt

Tác phong khi đi làm việc tại các Doanh nghiệp lớn luôn được/ bị cấp trên, đồng nghiệp, đối tác đánh giá qua nhiều khía cạnh:

Chuyên nghiệp qua kỹ năng chuyên môn

Chuyên nghiệp qua thái độ

Trang phục chỉn chu, tác phong chuyên nghiệp khi đi làm

Luôn đúng giờ trong mọi tình huống

Giao tiếp chân thành giữ tác phong chuyên nghiệp

Đối xử tử tế với mọi người

Cầu tiến, ham học hỏi

Biết tự đứng lên khi vấp ngã

Tích cực xây dựng và đóng góp ý kiến với tác phong chuyên nghiệp

Chu toàn và cẩn thận

Tự đưa ra giới hạn thưởng, phạt cho mình

Tuân thủ các quy định ở công ty

….

Khi làm việc ở môi trường corporate, bạn sẽ luôn phải giữ cho mình chỉn chu, chuẩn mực nhất có thể. Điều mà gần như bị “skip” – “cho qua” nếu bạn làm việc ở các công ty nhỏ hoặc công ty gia đình, toàn người thân quen với nhau. Lúc đó những yêu cầu bên trên đôi khi bị xem là rườm rà, hình thức, không cần thiết. Tuy nhiên, lâu dần bạn sẽ mất đi phòng vệ, mất đi ý thức về việc mình “behave” – “hành xử” như thế nào là hợp lý, là chuẩn mực với từng nhóm đối tượng khác nhau.

Những thân thuộc, dễ gần ban đầu có thể bị đánh giá là qua loa, thiếu chuyên nghiệp, thiếu tôn trọng trong một số trường hợp nhất định. Bản thân tôi vẫn giữ quan điểm mỗi khi có dịp đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ, rằng: những năm đầu đời đi làm, ít nhất 3 năm, bạn nên lựa chọn những môi trường chuyên nghiệp để trải nghiệm. Công dụng của điều này thì rất nhiều, tiêu biểu nhất là tạo cho bạn một nền móng vững chắc về professional manner – tác phong hành xử chuyên nghiệp. Đây là hành trang quý giá để sau này bạn có thể linh hoạt trong đa dạng những nơi bạn đặt chân đến.

corporate life dạy tôi cách cư xử và trang bị tác phong
Tác phong chỉn chu, hành xử chừng mực là những điều tôi học được suốt thời gian đi làm corporate

Mở mang đầu óc và tầm mắt

Xuất phát điểm là dân tỉnh, là “em ở nhà quê mới lên” đó, hơn nữa lại không anh chị đi trước dẫn đường, không theo trường phái người quen gởi gắm, những năm đầu đời đi làm ở hai Tập đoàn Tài chính lớn là cơ hội cho tôi bước ra đời, âm thầm học hỏi và trang bị nhiều thứ. Gặp đồng nghiệp nào, đối tác nào, gần như trong đầu tôi cũng choáng váng với nền tảng của họ. Không có cha mẹ là ông này bà kia, thì cũng có anh chị là người này người kia.

Thời gian đầu tôi thấy mình hơi tội nghiệp, vì làm gì học gì cũng tự thân vận động mà có được. Nhưng sau đó nghĩ lại thì tôi lại tự tán dương chính mình, không cần vờ khiêm tốn để phũ nhận rằng: Bản thân rất khá vì có thể đến cùng nơi, đứng cùng chỗ với những người có xuất phát điểm cao hơn mình.

Cũng nhờ ở corporate, tôi được gặp những người anh, người chị đồng thời cũng là người đứng đầu, hoặc quản lý cấp cao, có kinh nghiệm chinh chiến nhiều năm ở các tập đoàn lớn. Để ý thức được mình thật nhỏ bé, cần bổ sung, hoàn thiện liên tục để trở thành phiên bản ưu tú hơn.

Hay những trải nghiệm ngoài công việc mà chỉ các tập đoàn lớn mới đủ khả năng đầu tư và chi trả như có lần tôi chia sẻ trong các bài viết như: https://duongmy.com/chat-lieu-nguoi-viet/

Corporate life giúp tôi có nền tảng và danh tiếng tốt

Tôi vẫn thường tự đùa rằng bản thân là người “háo danh”, tức là làm gì cũng cân nhắc xem việc đó tác động đến “tên tuổi” của mình như thế nào, điều này còn quan trọng hơn số tiền tôi thu về khi làm công việc đó nữa.

Nhớ có lần tôi đi phỏng vấn, chị Hiring Manager nhìn vào CV và trao đổi xong thì nói là “chị hỏi em vậy chứ chị biết hết, em làm việc được với ngân hàng <giấu tên> trong suốt từng đó thời gian đó là chị thấy em giỏi rồi. Chị cũng từng serve account đó nhưng 7 tháng là ngưng” 🙂 Không biết nên khóc hay nên cười, nhưng rõ là có nhiều “cái tên nói lên tất cả”.

Và vừa hay background làm việc trong những Doanh nghiệp lớn giúp tôi củng cố hồ sơ năng lực của mình. Tôi vẫn luôn thầm cảm ơn vì đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp hồ sơ nhận học bổng đi học Master của tôi sáng hơn, và bây giờ thì tăng tính thuyết phục rất nhiều khi góp phần giúp tôi trở thành Chuyên gia của BGS Global.

NHƯNG, luôn có chữ nhưng 🙂

Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh rằng cần phải tỉnh táo nhìn nhận rằng Corporate không phải là con đường duy nhất để chúng ta xây dựng sự nghiệp trong đời. Ít nhất là với nhóm những người thích bản thân trở nên đa-zi-năng, không bị bó hẹp và giới hạn khả năng phát triển.

Với kinh nghiệm của một người có 10 năm vòng quanh trong môi trường Corporate, tôi sẽ nói với bạn lý do tại sao nhé. Những lý do tôi đang nói là về việc phát triển nghề nghiệp, chưa nói đến vấn đề Tài chính.

Giờ làm việc 9-to-5

Khung thời gian quá cứng này gần như triệt tiêu mọi cơ hội linh hoạt và đa dạng nguồn thu của một người. Mặc dù hiện có nhiều Doanh nghiệp cho phép làm hybrid, tức là không nhất thiết phải tới văn phòng làm việc. Nhưng thực tế thì bạn phải túc trực bên laptop, điện thoại 24/7 vì có thể bị gọi họp khẩn bất cứ lúc nào. Đấy là tôi chưa bàn đến khi bạn làm việc với Sếp quá toxic, ngồi vào họp chỉ có chửi và chửi và chửi, thì gần như bạn sẽ buồn nguyên ngày đó, và cả những ngày sau nữa, chả còn sức lực đâu làm việc, cống hiến.

Một điều nữa không biết những bạn khác có giống không, là tuy tôi có ngày phép nhưng không dám dùng nếu không thật sự cần kíp. Vì sao à, vì nghỉ 1,2 hôm là ik như rằng email, tin nhắn công việc sẽ ngập đầu, dẫn đến tâm lý không thể buông việc, không yên tâm và thấy đuối hơn sau những ngày nghỉ. Và càng leo lên cao, bạn sẽ càng bị buộc chặt với trách nhiệm và quyền hạn mà vị trí đó yêu cầu.

corporate life được và mất
Tôi lựa chọn học tập liên tục để không bị bó hẹp sự lựa chọn của bản thân

Corporate life hạn chế cơ hội đóng nhiều vai

Dù không ai ép buộc “Bạn chỉ được phép làm việc với chúng tôi trong khi hợp đồng còn hiệu lực” nhưng thực tế là khi người lao động kí hợp đồng với doanh nghiệp nghĩa là hình thành mối quan hệ cam kết, “bất khả phân li” trong thời gian còn hợp đồng. Dù ngoài giờ hành chính bạn có làm thêm bao nhiêu cho công ty đi nữa, chỉ cần trong giờ hành chính họ không thấy bạn thì gần như bạn bị kết án.

Hoặc với một người có niềm tự tôn lớn trong lòng như tôi, luôn muốn lời nói của mình có giá trị và được lắng nghe, thì rõ là khi chỉ là một ai đó – luôn có thể bị thay thế trong một tập đoàn lớn không giúp tôi thoả được chí tang bồng của mình. Trong hầu hết trường hợp chúng ta cố gắng góp sức bằng cách đưa ra các đóng góp, ý kiến để cải thiện chất lượng công việc. Nhưng Sếp đã không chọn thì lo im lặng làm theo, cấm cãi.

Và nếu chấp nhận cuộc đời corporate life thì gần như chúng ta đang tự triệt tiêu cơ hội phát triển không giới hạn của bản thân mình.

Bộ skill set dễ bị đóng chặt

Đối với tôi đây là điều quan trọng và đáng lo ngại nhất. Chắc bạn sẽ không phản đối tôi rằng, mỗi vị trí công việc hay mỗi nhóm phòng ban chuyên trách luôn yêu cầu đúng một bộ skill set nhất định. Càng làm trong tổ chức lớn thì bộ skill set càng bị bó hẹp lại vì tính chuyên môn cao.

Vì sao điều này lại nguy hại? Vì không ai chắc được vị trí bạn đang ngồi, công việc bạn đang làm 3 năm, 5 năm nữa có còn được trọng dụng không? Xã hội còn nhu cầu tuyển dụng vị trí đó hay không? Nhất là khi bạn lên chức cao, sự lựa chọn nghề nghiệp của bạn càng thu hẹp, điểm này thì dựa trên lý thuyết “thắt cổ chai”. Chưa nói chuyện, khi làm càng lâu trong corporate life, càng nhuần nhuyễn công việc của mình, bạn càng dễ rơi vào lối mòn, rập khuôn và không muốn thay đổi những điều đã thành thói quen.

Đừng để vì vô tình hay cố ý mà đẩy bản thân vào tình thế không được lựa chọn, không có bất kì sự tự do nào trong quyết định nghề nghiệp.

Bài viết này tôi muốn đề cập đến cả ưu và khuyết để bạn có thêm thông tin khi chọn và xem làm việc ở corporate là con đường huy hoàng duy nhất. Thực tế hoàn toàn không phải vậy. Có vô vàn cách làm và hình thức làm ngoài kia giúp bạn đạt được sự thịnh vượng cả về sự nghiệp – tài chính lẫn cuộc đời.

Bản thân tôi nghĩ, mỗi giai đoạn trong cuộc sống chúng ta sẽ có những lựa chọn công việc phù hợp tương ứng. Có lúc cần phải học hỏi và sự ổn định tạm thời từ corporate life, sẽ có lúc muốn tự do trang bị thêm nhiều skill sets bằng công việc freelancer; cũng có lúc thấy tích luỹ ổn rồi thì bứt ra làm kinh doanh.

Quan trọng là hãy chuẩn bị kĩ lưỡng, dám đương đầu với thay đổi và dũng cảm lắng nghe nguyện vọng của chính mình.

Be Gentle,

Love.

P/s: Bài này đã muốn viết lâu rồi nhưng nay mới xuất bản, sau khi được truyền cảm hứng từ bài viết cùng chủ đề của chị Linh Phan và em Vi Trần.

10/10/2022 0 comment
0 FacebookTwitterPinterestEmail
viết mỗi ngày
Viết phát triển

Viết mỗi ngày – Làm sao để rèn luyện?

by Dương My 06/08/2022

Hẳn các bạn sẽ không phản đối nếu mình nói rằng: việc gì cũng vậy, bước khởi đầu luôn là bước khó khăn nhất. Giống như việc bạn cố gắng đẩy cho một bánh đà lăn, giai đoạn đầu sẽ vô cùng chật vật. Thậm chí bạn không thấy bất kì động tĩnh nào của sự dịch chuyển trong thời gian dài. Nhưng hãy yên tâm rằng, một khi xoay được vòng 1, vòng 2, theo quán tính, bánh đà sẽ xoay tít không ngừng. Việc viết của bản thân mỗi người cũng như làm sao cho bánh đà xoay tít. Hôm nay chúng ta sẽ nói về việc làm sao để những người mới, hoặc những người không mới nhưng chưa tạo dựng được thói quen có thể ngồi vào bàn để viết mỗi ngày.

Mục tiêu cụ thể – Yếu tố quan trọng để bạn có thể Viết mỗi ngày

Trong suốt những bài nói chuyện, bài giảng cho sinh viên, mình luôn bắt đầu bằng câu hỏi “Em muốn làm việc này nhằm mục đích gì?” hay “Vì sao nhóm em lại đề xuất dùng phương án này?”. Tựu chung lại đều để các em ấy xác định rõ Objectives/ mục tiêu khi muốn làm một điều gì đó.

Việc rèn luyện thói quen viết mỗi ngày cũng vậy thôi. Bạn phải hỏi chính mình “Vì sao tôi cần phải viết?”. Nếu chỉ đơn giản là viết thơ thẩn hoặc thấy thiên hạ viết thì mình viết, vậy rất khó để bạn thoát ra khỏi chăn ấm nệm êm để ngồi vào bàn viết một điều gì đó.

Bạn cần xác định: Vì sao tôi phải viết?

  • Cần hoàn thành dự án cho khách hàng theo đúng deadline.
  • Cần đạt 15 bài blog đầu tiên trong tháng 8
  • Cần hoàn thành post social 2 tuần tiếp theo để trình Sếp trước ngày…
  • Cần làm thương hiệu cá nhân thông qua viết lách, kiếm được khách hàng đầu tiên sau 2 tháng sản xuất nội dung…

Gì cũng được, miễn là cụ thể hoá những mục tiêu của bản thân. Ví dụ như mình, liên quan đến công việc và sự nghiệp viết lách:

  • Mình có mục tiêu năm chia đều cho việc sản xuất bài chia sẻ, giảng dạy, hoàn thành sản phẩm, tạo ra thu nhập… tất cả đều gắn với những con số cụ thể
  • Để hoàn thành mục tiêu lớn của năm thì mỗi quý cần làm gì? mỗi tháng cần làm gì?
  • Sau đó mình tracking/ theo dõi bằng lịch tháng, tuần
  • Rồi chia nhỏ những đầu mục công việc theo ngày: viết 1 bài blog, điều chỉnh nội dung để tạo ra nội dung cho Facebook, IG post; chọn nội dung phù hợp chia sẻ vào group Phát triển nghề viết chẳng hạn.

Trong trường hợp các bạn là manh chiếu mới, bạn có thể bắt đầu đặt mục theo tháng để đỡ ngộp. Từ mục tiêu tháng, các bạn biết là để hoàn thành được mục tiêu đó thì mỗi tuần cần làm gì, rồi sau đó chẻ nhỏ ra theo ngày. Ví dụ 1 tháng cần hoàn thành 15 bài blog thì cứ 1 ngày viết bài, 1 ngày làm hình, đăng web và tối ưu nội dung post lên các nền tảng social khác. Giờ thì mục tiêu ngồi vào bàn viết mỗi ngày của bạn rất cụ thể: hoặc là 1 bài hoặc là làm hình ảnh, xử lý bài viết.

Nếu không biết mình cần đi đâu, lang thang vô định thì đồng nghĩa bạn có đi hay không cũng không khác nhau gì mấy. Tuy nhiên khi biết điểm đến cụ thể, bạn sẽ dễ dàng lên lộ trình cần đi qua những đâu để đến được nơi cần.

My Dương.
lý do để luyện viết mỗi ngày là gì
Bạn cần có mục tiêu cụ thể về việc tại sao phải viết trước khi muốn rèn luyện thói quen này.

Tự tạo cảm hứng để có thể ngồi vào bàn, mở máy tính lên

Chúng ta thường lấy cớ “không có hứng làm” để thả trôi một việc gì đó. Nhất là với công việc viết lách, việc mà hầu hết chúng ta nghĩ liên quan đến cảm xúc, nếu cứ ép phải ngồi vào khi không có cảm xúc thì sao viết nỗi. Tuy nhiên thực tế hoàn toàn ngược lại các bạn ạ.

Như cuốn Để trở thành người viết của tác giả Travis Elborough, Helen Gordon cắt lát những câu chuyện thực tế từ những tác giả nổi tiếng như Haruki Murakami, Oscar Wilde, J.K. Rowling, Ernest Hemingway. Những tên tuổi này không phải cứ ngồi vào bàn là chữ tuông như suối nguồn tươi trẻ. “Họ cũng thường xuyên bí ý tưởng, cũng ngồi đờ đẫn hàng giờ trước trang giấy trắng hoặc màn hình máy tính” mà không viết được gì.

Vậy có phải hứng thú là điều giúp họ có thể tạo ra những tác phẩm để đời không? Không phải đâu các bạn, mà đó chính là thói quen/ routine cứ đúng giờ đó là ngồi vào bàn, mở máy lên để bắt đầu công việc. Những chữ đầu tiên có thể rất khó nhọc, nhưng hãy dũng cảm bắt đầu. Nếu chưa biết viết gì bạn cứ lên danh sách những hướng nội dung mình sẽ viết, rồi chia nhỏ thành các topic/ chủ đề, có topic rồi thì chia ra angle/ góc nhìn. Mỗi ngày chọn những angle thích nhất để làm sườn. Một khi có sườn bài thì đắp dần nội dung vào. Có nội dung thô rồi trau chuốt biên tập dần.

“Hứng thú không phải đến trước khi bắt đầu làm việc mà nó đến sau đó” – Hiếu TV, Chiến thắng sự trì hoãn.

Mình gợi ý cho bạn mẹo để tập luyện cho bản thân, bạn có thể tìm hứng thú từ những điều nho nhỏ vui vui. Với mình thì việc dậy sớm, pha một bình trà theo tâm trạng mỗi ngày, đốt ly nến thơm cũng làm cho mình vui vẻ, có thêm động lực ngồi làm việc. Tưởng tượng nhé, mình bắt đầu một ngày bằng ly trà ấm, thoang thoảng hương nến vani dịu nhẹ, lúc này ngồi vào bàn viết mỗi ngày giống như một phần thưởng hơn là một công việc bắt buộc phải làm.

Đó là niềm vui và cách bắt đầu của mình, bạn cũng nên tìm cho bản thân điều gì giúp bạn vui nhất, thoải mái nhất thì hãy bắt đầu với nó. Đây là cách chúng ta tra dầu vào bánh răng của mình, để việc vận hành sau đó dễ dàng và trơn tru hơn.

niềm vui viết lách mỗi ngày
Khi tìm được niềm vui, lúc này làm việc giống như một phần thưởng hơn là một công việc bắt buộc phải làm

Môi trường xung quanh có thể thúc đẩy hoặc kéo lùi bạn

“Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” luôn đúng các bạn ạ. Trong trường hợp này không hẳn là “mực” nhưng đó có thể là những thứ khiến bạn dễ xao nhãng, trật khỏi đường ray mà bạn đang muốn bánh đà của mình vận hành.

Để mình cụ thể xíu, nếu như bạn muốn trở thành người viết, hoặc tối thiểu là có được thói quen viết đều đặn hơn, bạn buộc lòng phải tăng tỉ lệ thời gian và mọi yếu tố xung quanh bản thân tiếp xúc liên quan đến viết. Điều này đồng nghĩ bạn phải chấp nhận bỏ qua hoặc bỏ bớt những thứ không liên quan.

Bạn không thể thúc bản thân viết mỗi ngày nếu xung quanh bạn toàn những thứ hoặc những người tuy hấp dẫn nhưng không giúp ích gì cho mục tiêu bạn đang nhắm đến. Dễ thấy nhất là trên tường facebook nhà bạn, thử cuộn new feed xem nội dung nào đang chiếm áp đảo nhé. Bạn muốn rèn luyện việc viết lách, thì feed của bạn nên là những người viết có thâm niên thành tựu với nghề, những group cộng đồng viết lách chia sẻ kiến thức, nhắc nhở truyền động lực nhau mỗi ngày. Còn nếu toàn là những trang tin tức lá cải, mua sắm, nước hoa, áo quần, giày dép, giải trí…thì thua rồi đó.

Chúng ta đều là những con người yếu đuối, dễ sa ngã. Nếu xung quanh toàn những thứ dung túng cho thói quen không bổ ích, chẳng mấy chốc chính nó sẽ nhấn chìm bạn trong sự dễ chịu khi bạn còn chưa kịp làm gì cho mục tiêu của bản thân cả.

Là một người vừa viết vừa giảng dạy mình luôn buộc bản thân phải vận động và cập nhật liên tục. Mình sẽ điều chỉnh mọi thứ xung quanh cho phù hợp nhất với mục tiêu mình đặt ra trong giai đoạn đó.

  • Nếu quý 1, 2 cần giảng dạy nhiều lớp về Marketing, PR cho sinh viên, học viên, feed của mình sẽ ưu tiên những cập nhật kiến thức về marketing, quảng cáo, báo cáo số liệu mới từ các page như Brandsvietnam, Advertising Vietnam, Cuộc sống agency…
  • Nhưng nếu sang quý 3, 4 mình cần tập trung vào “Viết”, mình sẽ ưu tiên “see first” những nhân vật có style viết hoặc hình mẫu mình hướng đến để học từ họ ít nhiều, ví dụ như chị Linh Phan, em Vi Trần. Hay những groups, những page liên quan đến viết lách như Phát triển Nghề viết, Ngày ngày viết chữ chẳng hạn.
  • Lưu ý ở đây là không cần quá nhiều vì dễ khiến bạn bị bội thực. Bạn nên lựa chọn 2,3 người hoặc nhóm nào khiến bạn thấy cảm tình nhất, dễ chịu nhất khi tương tác để “follow”, như vậy thì những kiến thức, thông tin đến với bạn mỗi ngày sẽ nhẹ nhàng, không gượng ép.
môi trường xung quanh thúc đẩy hoạt động viết mỗi ngày của bạn
Hãy giữ cho môi trường xung quanh trở thành đòn bẩy giúp bạn đến gần hơn với mục tiêu bạn đã đặt ra

Sự kiên trì để Viết mỗi ngày

Khi đã có được mục tiêu cụ thể, có nguồn cảm hứng và động lực viết, giờ là lúc cần “thúc” bản thân nhiều hơn để biến tất cả những điều ấy thành một phần cuộc sống mỗi ngày của bạn.

Bạn nghĩ yếu tố nào quan trọng nhất phía sau một thành công?

Thông minh xuất chúng? Năng lực vượt trội? Bản lĩnh dám nghĩ dám làm? May mắn? Tầm nhìn và tư duy chiến lược?

Rất nhiều, nhưng có một yếu tố là điểm chung cho tất cả các mẫu hình thành công, và cũng là yếu tố quan trọng nhất không thể thiếu. Đó chính là “TÍNH KIÊN ĐỊNH” – persistent. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta đang nói đến việc thành công tạo dựng thói quen viết mỗi ngày, viết cho đến khi đạt được những mục tiêu như ta mong muốn.

Bản thân mình đã làm rất nhiều công việc, có việc tạo ra thành quả được công nhận, có việc gãy gánh giữa đường. Vì thế cũng rút ra được kết luận, để đạt được thành công ở bất cứ việc gì, dù lớn hay nhỏ, thì sự kiên trì là yếu tố quyết định thành bại.

cách rèn luyện thói quen viết mỗi ngày
Tóm tắt những cách để bạn rèn luyện thói quen viết mỗi ngày

Có một câu chuyện mình rất thích, thỉnh thoảng mang ra đọc để nhắc nhở bản thân, giờ thì chia sẻ đến các bạn, thay cho lời kết.

Chúc bạn bền bĩ với nguyện ước ban sơ, luôn kiên trì trên con đường bản thân đã lựa chọn.

TÍNH KIÊN TRÌ

Thiếu nữ 14 tuổi giành giải vô địch Olympic để có tiền chữa bệnh cho mẹ cùng bài học: Nếu muốn thoát nghèo, cách duy nhất là kiên trì đến cùng!

Đội tuyển lặn Trung Quốc lại một lần nữa ghi bàn thắng vào lịch sử. Quan Hongchan, một thiếu nữ 14 tuổi, đã giành chức vô địch môn lặn 10 mét với tư cách là vận động viên trẻ nhất tại Thế vận hội Tokyo, đồng thời lập kỷ lục về số điểm cao nhất trong gần 4 kỳ Thế vận hội với 466,2 điểm.

Với tư thế trên không nhẹ nhàng và chuẩn xác, khi vào nước cô bé đã đạt trọn điểm bởi 3 động tác chuẩn xác. Cô bé vô danh 10 năm trước giờ đây được hàng vạn người biết đến chỉ sau 1 ngày.

Ít ai biết rằng, Quan Hongchan tham gia làm vận động viên chỉ vì để có tiền chữa bệnh cho mẹ.

Cô bé sinh ra tại một làng quê ở Trạm Giang, Quảng Đông, cha mẹ là nông dân, gia đình sống bằng nghề nông, hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn.

Khi được phỏng vấn, Hongchan đã chia sẻ: “Mẹ em bị tai nạn giao thông nên người hay đau ốm, năm ba hôm lại phải vào viện khám. Tiền thuốc men rất đắt. Chính vì vậy động lực để em cố gắng tập luyện không ngừng chính là để kiếm được nhiều tiền chữa bệnh cho mẹ”.

Phóng viên hỏi cô bé: “Vậy những kỳ nghỉ em làm gì?”.

Cô bé đáp: “Em ở nhà phụ giúp gia đình, vì nhà không có tiền nên em chưa từng đến công viên hay sở thú…”.

Huấn luyện viên cho biết, Hongchan là người tập luyện chăm chỉ nhất, mỗi ngày đều tập nhảy 300 đến 400 lần trên bờ và từ 100 đến 200 lần ở trên bục.

Đối với Hongchan, dù là thiên tài đi nữa, cũng không nên lơ là việc cố gắng đến cùng vì mục tiêu của mình. Cô bé cũng nói với phóng viên rằng:

“Đừng gọi em là thiên tài, vì những gì em đạt được đều thông qua nỗ lực không ngừng mới có được…”.

Huấn luyện viên của cô bé cũng khẳng định rằng: “Đừng dễ dàng dùng hai từ thiên tài để làm lơ mọi nỗ lực của người khác”.

Từ cách sống của Quan Hongchan, chúng ta có thể thấy cô bé là người cực kỳ nghiêm túc và chăm chỉ.

Be Gentle,

Love.

06/08/2022 0 comment
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Viết sách

Sự nghiệp Viết Sách

by Dương My 26/07/2022
26/07/2022 0 comment
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Viết kết nối

Triển lãm Thơ: Còn hôm nay, ta còn mãi mãi

by Dương My 10/06/2022

Khi nói về “Thơ”, hẳn đại đa số người nghe sẽ không thấy liên quan gì đến mình, nhưng nếu dùng một cách nói khác, chẳng hạn như “một buổi triển lãm thơ, triển lãm nghệ thuật ngôn từ” chắc bạn sẽ phải khựng lại vài giây, muốn nghe lại lần nữa, có nhiều suy nghĩ về điều đó. Trước nay tôi vốn dĩ là người thích đọc những vần thơ dồi dào cảm xúc chứ không nghĩ nhiều về tính ứng dụng của thơ.

Mãi cho đến khi vô tình đọc được câu chuyện thực hành thơ của Nam Thi và đến buổi triển lãm Thơ đặc biệt này…

Vần thơ – dấu ấn tuổi thơ của cuộc đời

Giai đoạn năm 3 tuổi tôi may mắn được ở cùng Dì – lúc ấy là sinh viên khoa Ngữ văn, sau này là giáo viên dạy văn. Một năm ở cùng Dì, tôi thuộc làu mấy trăm câu Kiều, đọc vanh vách những bài thơ xuất hiện trong các bộ phim thời đó.

“Tình yêu đầu ngây thơ chân thực

Có thể nào sống lại với ta

Như biển sâu tình khiến ta đau khổ

Tháng năm trôi mái tóc đã điểm sương

Dứt ko được hình em trong tâm khảm

Đừng bỏ đi hạnh phúc của ngày mai

Đời vô tình là điều cam go nhất

Đừng chờ đợi tháng năm quay đầu lại

Dứt không ra nỗi đau khổ tình đời

Đừng nhẫn nại vì mối tình xưa nữa

Hoa nở xuân về mà tình đã ra đi

Để tim ta vấn vương bụi trần thế.”

-Tần Thuỷ Hoàng-

triển lãm Thơ đa giác quan
Trăng dưới nước là trăng trên trời.
Người trước mặt là người trong tim

Những năm phổ thông, tôi học văn cũng khá tốt, đến giờ thì nghiệp Viết vẫn luôn dịu dàng ấp ôm, nâng đỡ tâm hồn và cho tôi rất nhiều thứ. Tôi không nghĩ nhiều về lý do vì đâu mình có thể Viết, mãi cho đến khi làm sinh trắc vân tay, kết quả là khả năng ngôn ngữ cũng được xếp vào nhóm tốt. Lý giải cho điều này là nhờ những tích luỹ trong quá khứ, được tiếp xúc với ngôn từ những năm đầu đời, đến khi biết nhận thức thì những câu từ ấy đã nằm sâu trong tiềm thức, lúc thích hợp sẽ được khơi thông và thể hiện ra bên ngoài.

Vậy mới thấy giáo dục và định hướng cho con trẻ từ sớm là điều cực kì quan trọng, điều này có thể tôi sẽ viết về khi cơ duyên đến.

Từ khi cuộc sống đỡ chèn ép hơn, đầu óc thong thả hơn, tôi dành nhiều thời gian đọc và thưởng thơ. Va chạm đầu tiên là những câu thơ giản dị nhưng có tính khơi gợi cảm xúc cao của Đinh Vũ Hoàng Nguyên, nếu biết câu chuyện của anh này hẳn bạn sẽ càng rung cảm nhiều hơn nữa. Chỉ tiếc là anh mệnh bạc.

“Ta bên nhau trên phố của bao người

Bao ân tình vừa đi qua phố

Có một phố vừa đi qua phố!

Có một người lắng phố, bên em.”

Và còn nhiều nữa những câu thơ của chị Nguyễn Thiên Ngân, anh Nguyễn Phong Việt làm tôi mê đắm đuối, cứ đọc đi đọc lại đến thuộc lòng.

Tôi đã nghĩ, Thơ sẽ mãi chỉ dừng lại ở riêng mỗi cá nhân như thế nếu như không có một ai đó tìm cách nâng thơ lên và lan toả thơ nhiều hơn.

triển lãm Thơ đa giác quan
Thưởng lãm Thơ đa giác quan, bạn đã từng đến chưa?

Triển lãm Thơ với đa giác quan, một nơi thưởng lãm nghệ thuật tôi mới dự lần đầu

Đầu năm nay tôi vô tình đọc được bài viết về nhà thơ trẻ Nam Thi nói về câu chuyện bạn ấy phối hợp cùng các nhãn hàng lớn như Chanel, Bitis để làm những dự án truyền thông lớn.

Là một người luôn đứng từ xa để nhìn ngắm thơ, tôi đã rất ngạc nhiên và vui mừng. Vì đâu đó thơ đã dần thể hiện được tính ứng dụng và mở ra nhiều hướng đi cho những người đang làm thơ, những người thực hành thơ – như cách Nam Thi vẫn hay tự gọi bản thân.

Vậy nên đến khi các Sếp bên Sun Life có ý tưởng thực hiện những dự án nghệ thuật, có riêng một triển lãm cho Thơ, tôi đã không ngần ngại propose Nam Thi và những nhà thơ mình yêu mến như chị Thiên Ngân, anh Phong Việt. Chỉ từ chiếc proposal sơ khởi ban đầu ấy, dần được các anh chị trong team phát triển lên cho đến khi nên hình hài của một buổi triển lãm hoành tráng.

triển lãm Thơ đa giác quan
“Có khoảnh khắc nào giữa chúng mình, là vĩnh cửu không em?”

Điều tôi thấy may mắn và cảm kích chính là các Sếp đã cam kết đi được từ bước đầu đến lúc sự kiện kết thúc tốt đẹp, tức là từ lúc thai nghén ý tưởng cho đến khi nên hình hài trọn vẹn. Những sự kiện này là phi lợi nhuận và không liên quan đến doanh số. Đó được tạo ra chủ yếu từ sự yêu mến nghệ thuật và sẵn sàng bao chi để đại bộ phận người dân được đến xem miễn phí; để các nhà Thơ có nơi gặp gỡ những ai quan tâm xen lẫn tò mò, và để Thơ được chạm nhiều hơn với số đông công chúng, và biết đâu được, một ngày nào đó Thơ cũng giống Rap, từ rất “kén” trở nên rất “nổi”, thì sao?!

Bước những bước chân đầu tiên đến cửa triển lãm là cảm giác choáng ngợp, bởi sự công phu và hoành tráng, có phần nhỉnh hơn cả event Light Festival – Lễ hội Ánh sáng trước đó.

triển lãm Thơ đa giác quan
“Còn hôm nay, ta còn mãi mãi” tên chủ đề thôi đã khiến tôi mênh mông bao suy nghĩ…

Vào sâu bên trong là khu vực trưng bày của 5 nhà Thơ với phong cách độc lập, tác động đến tất cả giác quan của những người đến thưởng lãm.

Thơ lúc này không còn dừng lại trên những tập giấy nép mình một góc, mà có thể xuất hiện dưới bóng nước, treo trên tường, nằm trong kén hay có thể trôi lơ lửng giữa không trung.

Khả năng miêu tả của tôi đâu đó lột tả chưa tới 20% sự sống động, những buổi triển lãm thế này bạn nên dành thời gian “nhìn tận mắt, sờ tận tay” thì may ra mới thoả lòng.

Nhờ đến buổi triển lãm mà tôi có cơ hội biết đến nhà thơ Ngô Thị Hạnh (sự thiếu xót này là lỗi của tôi), được nghe chị diễn thơ trên nền nhạc guita, chị hiền lành và dung dị như đúng những vần thơ của chị vậy.

Cũng là lần đầu được nghe sự phối trộn nhịp nhàng giữa rapper Táo và những vần thơ của Nam Thi, mới thấy những góc khuất trong mỗi con người là sâu thẳm hun hút khiến người ta cô đơn đến cùng cực.

Là lần đầu tôi cầm viết, viết lên bức tường chi chít chữ của những người yêu Thơ và yêu những con chữ.

Và còn nhiều nữa những khoảnh khắc trong lòng tôi vang lên những tiếng “wow”, chỉ là tôi giấu đi 🙂

Liệu Thơ đã bắt đầu nương theo dòng chảy?

Khi internet nở rộ, mọi thứ trong cuộc đời này buộc phải uốn mình thay đổi theo nếu không muốn bị rơi khỏi dòng chảy đó. Thơ, hẳn cũng không ngoại lệ. Rõ là, thời đại thay đổi nên thơ ca cũng phải thay đổi theo. “Thơ ngày nay không chỉ cần vần điệu, nó cần nhiều hơn những chuyển động mang tính đổi mới và tiệm cận với dòng chảy chung của thơ ca thế giới, ví dụ như: nhịp điệu, hình ảnh, cấu trúc, sự đồng cảm” và thậm chí là cả hình thái biểu hiện của Thơ. Để làm chi? Để có thể tiếp cận được với số đông công chúng hơn, đặc biệt là với thế hệ GenZ đầy năng động và khác biệt lớn với các thế hệ trước đó.

Với rất nhiều những gương mặt nhà thơ trẻ xuất hiện, các bạn góp phần đem nhiều phong cách mới vào cách thực hành thơ, giúp thơ trẻ hơn, hiện đại hơn rất nhiều. Chỉ mong rằng mỗi người góp sức để giúp Thơ ở một trạng thái gần gũi hơn và có nhiều điểm chạm với công chúng hơn.

triển lãm Thơ đa giác quan

Xin mượn những dòng thơ anh Nguyễn Phong Việt đã viết dành riêng cho triển lãm Thơ “Còn hôm nay, ta còn mãi mãi” để kết thúc bài viết này:

Cảm ơn những yêu thương tìm đến

vào khoảnh khắc chúng ta cần

mỗi hơi ấm góp chút niềm vui xua tan lạnh giá

cuộc đời dẫu có thân quen hay đôi lần xa lạ

thì chúng ta đều đã

chung nhân dáng con người…

Cảm ơn từng hơi thở

vẫn nối tiếp nhau

bền bỉ dưới bầu trời!

Trích Cảm ơn một hơi thở, Nguyễn Phong Việt

Be Gentle,

Love.

10/06/2022 0 comment
1 FacebookTwitterPinterestEmail
Viết Kinh doanhViết phát triển

Vì sao ai đó cần xây dựng Thương hiệu cá nhân?

by Dương My 05/05/2022

Ngày nay, trong một thế giới mà chỉ cần một “chú nhấp chuột”, 80% thông tin về một ai đó hay một thứ gì đó đã xuất hiện. Vậy thì ở vai trò “người tìm việc”, bạn cần làm gì để thu hút nhà tuyển dụng và để trở thành người được tìm thấy? Câu trả lời không gì khác ngoài việc chủ động xây dựng Thương hiệu Cá nhân cho chính mình gắn với công việc bạn đang hướng đến.

Tại sao cần xây dựng Thương hiệu Cá nhân?

Hoạt động tạo dựng Thương hiệu Cá nhân là một trong những phần cốt yếu của việc quản trị sự nghiệp, nhiều người không dành thời gian để làm việc này cho đến khi phải đối mặt với thử thách tìm việc thực sự. Việc có một Thương hiệu Cá nhân tốt không chỉ giúp ích cho công việc hiện tại mà còn giúp những lần săn việc trong tương lai trở nên nhanh chóng và nhẹ nhàng hơn đáng kể.

Bạn hình dung nhé, khi đọc một nội dung bạn chưa hiểu nghĩa, bạn sẽ làm gì? Đúng, hỏi Google trước tiên. Khi bạn có nhu cầu tìm địa điểm tổ chức tiệc tối với bạn bè, bạn sẽ làm gì? Vẫn là tham khảo Google.

Vậy thì, nếu nhà tuyển dụng cần tìm ứng viên cho vị trí anh ta đang tuyển dụng, bạn nghĩ anh ta sẽ làm gì? Cũng sẽ là tìm kiếm trên những nền tảng của dân HR (Human resources – Tuyển dụng nhân sự).

Liệu bạn của ngày hôm nay có thể được các nhà tuyển dụng, các nhà quản lý, hay đối tác biết đến dễ dàng không? Nếu họ không biết đến bạn thì đồng nghĩa không có cơ hội dành cho bạn. Hoặc nếu được biết đến, nhưng với thông tin không mấy tốt đẹp thì mọi chuyện càng trở nên khó khăn. Vậy thì, nếu muốn có một công việc tốt, thu nhập tăng lên, thì điều đầu tiên phải làm chính là biến bản thân trở thành một kết quả phù hợp với nhà tuyển dụng dành cho công việc ấy.

xây dựng Thương hiệu Cá nhân để chủ động nắm bắt công việc mơ ước
Thương hiệu Cá nhân mạnh giúp bạn tiếp cận nhiều cơ hội công việc trong tương lai

Xây dựng Thương hiệu Cá nhân mang đến lợi ích gì?

Thu hút cơ hội đến với mình

Khi quyết chí xây dựng Thương hiệu Cá nhân cho bản thân mình, bạn sẽ dần định hình rõ “lời hứa thương hiệu” bạn muốn mang theo là gì? Bạn biết bản thân muốn chia sẻ điều gì đến những người dõi theo bạn. Và khi đó, thương hiệu của bạn đã bắt đầu có đời sống riêng.

Có nhiều người biết đến bạn hơn và hầu như bạn không biết đến điều đó cho đến khi họ chủ động tiếp cận bạn cho một công việc nào đó. Lúc này, bạn giống như một thỏi nam châm, liên tục thu hút cơ hội và con người về phía bạn, thông qua đó, bạn dần chạm đến những mục tiêu của mình.

Tôi sẽ lấy bản thân mình làm ví dụ, ở những năm đầu xây dựng sự nghiệp Đào tạo, Tư vấn song song với công việc fulltime tại các Tập đoàn Tài chính. Tôi định hướng những mảng nội dung mình sẽ đồng hành gồm Xây dựng Thương hiệu Cá nhân và Quản lý Tài chính cho nữ Nhân viên văn phòng. Với định hướng này, tôi thực hành từng bước, chỉn chu nhất có thể để xây dựng Thương hiệu Cá nhân cho chính mình, thông qua những bài viết, những workshop, những buổi talkshow… Nhờ thế mà sau một thời gian ngắn, tôi đã thu hút được đúng những cơ hội đến với mình:

  • Đầu tiên là cơ hội được đứng lớp chia sẻ về cách xây dựng Thương hiệu Cá nhân cho 500 anh chị Tư vấn Tài chính trên toàn quốc tại chính công ty tôi đang làm Marketing.
xây dựng Thương hiệu Cá nhân
Thương hiệu Cá nhân mang đến cho tôi cơ hội tuyệt vời được thực hiện công việc Chia sẻ và truyền cảm hứng
  • Tiếp theo là báo Zing mời chia sẻ trong series Her’s Money: link bài báo tại đây

Chủ động nắm bắt sự nghiệp của mình

Khi Thương hiệu Cá nhân của bạn ngày càng lớn mạnh, bạn có tiếng nói khi đối diện với Sếp của bạn, cũng như có vị thế tốt khi trao đổi với khách hàng. Lợi ích này có được từ ý đầu tiên: Thu hút cơ hội đến.

Bạn có biết điều khác biệt lớn nhất giữa người giỏi Toán và không giỏi Toán; giữa người có tiền và không có tiền là gì không?

Đó chính là sự lựa chọn.

Khi bạn giỏi Toán, bạn có quyền lựa chọn công việc có liên quan đến Toán hoặc không; nếu bạn dở Toán và sợ hãi với Toán thì sự lựa chọn công việc của bạn chỉ còn 1/2 hoặc 1/3. Nếu bạn có tiền, bạn có quyền lựa chọn làm công việc đó hoặc không; nhưng nếu bạn không tiền, dù suốt 8 tiếng ở công sở như cực hình, bạn vẫn phải cắn răng mà chịu.

Tương tự như vậy, khi bạn có Thương hiệu Cá nhân vững vàng, bạn cũng có được điều này, đó là bạn có quyền chấp nhận hay từ chối những khách hàng đến với bạn. Bạn có quyền lựa chọn những dự án, không nhất thiết phải nhận làm tất cả dù lòng không mong muốn.

Bạn nhận được nhiều niềm vui từ quá trình xây dựng Thương hiệu Cá nhân

Thương hiệu Cá nhân có nghĩa là gắn con người bạn với những điều bạn làm và cách bạn làm điều đó. Điều này giúp kết nối niềm đam mê của bạn với công việc trong khi vẫn kiên định tập trung vào mục đích của mình.

Đã bao giờ bạn đi làm nhưng trong lòng luôn đắn đo “Liệu mình có đang trên con đường sự nghiệp mình ước ao hay chỉ đang có một công việc để duy trì cuộc sống?!”. Tôi có thể khẳng định với bạn rằng, tần suất bạn đặt câu hỏi này càng dày bao nhiêu thì đồng nghĩa với việc bạn ít hạnh phúc với công việc bạn đang làm bấy nhiêu. Sẽ đến một ngày bạn thấy rã rời khi mỗi sáng thức dậy nghĩ đến chuyện phải sửa soạn đến chỗ làm, nơi là 8 tiếng tiếp sau đó thật nặng nề.

Đổi lại khi bạn tập trung xây dựng Thương hiệu Cá nhân bằng cách làm những việc bạn tâm huyết, bạn sẽ cảm nhận niềm vui và sự háo hức mỗi ngày khi bạn mở máy cá nhân làm việc hoặc đọc về những nội dung có liên quan.

niềm vui trên hành trình xây dựng Thương hiệu Cá nhân
Làm công việc đúng với điều bản thân tâm huyết, bạn sẽ cảm nhận được niềm vui, và từ đó bạn không phải làm việc nữa

Thương hiệu Cá nhân giúp bạn tự tin hơn

Có lẽ sản phẩm phụ lớn nhất của việc xây dựng Thương hiệu Cá nhân của bạn chính là sự tự tin. Sự tự nhận thức mà bạn có được khi trải qua quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân được chuyển thành sự tự tin. Và khi thương hiệu của bạn bắt đầu trao cho bạn những cơ hội, những mối quan hệ chất lượng, sự thừa nhận, lời khen ngợi… bạn ngày càng trở nên thoải mái hơn trong “đôi giày”của chính mình. Và đó chính là loại của cải tốt nhất sau một thời gian bạn miệt mài chăm chỉ trên hành trình định danh và định giá bản thân.

Bạn có thể biết những người trong tổ chức của bạn có thương hiệu mạnh và bạn có thể đã chứng kiến họ được hưởng nhiều lợi ích này. Đã đến lúc tăng cường các hoạt động xây dựng thương hiệu cá nhân để bạn có thể trải nghiệm những lợi ích này đồng thời mang lại giá trị đặc biệt cho chủ lao động của mình.

Bạn đạt được những mục tiêu và tạo ra nhiều Tài chính hơn

Sau những phân tích ở trên, ta thấy Thương hiệu Cá nhân bạn nỗ lực xây dựng sẽ phù hợp với định hướng và hướng tới mục tiêu của bạn. Mỗi kế hoạch dài hạn hay ngắn hạn, mỗi hành động dù lớn hay nhỏ đều tập trung vào việc xây dựng thương hiệu. Và chính điều đó giúp củng cố nỗ lực hướng tới mục tiêu của bạn – một trong những yếu tố quan trọng của thương hiệu cá nhân.

xây dựng Thương hiệu Cá nhân
Một khi có Thương hiệu Cá nhân, ví như bạn chắp thêm đôi cánh cho hành trình vươn đến những mục tiêu trong sự nghiệp và cuộc đời bạn

Có lẽ không thể phản đối rằng chúng ta luôn phải trả nhiều tiền hơn cho các thương hiệu mạnh. Một ly cà phê Starbucks sẽ có giá đắt gấp 5 lần ở quán cà phê dưới phố. Một chiếc iPhone có thể tốn của bạn một nghìn rưỡi đô la — nhiều hơn hầu hết các điện thoại thông minh khác trên thị trường. Chiếc túi Hermès Birkin nổi tiếng được bán với giá từ $10K đến $300K. Chúng ta trả giá cao cho các thương hiệu mạnh bởi vì ta nhận được từ đó nhiều hơn là chiếc sản phẩm, điều quan trọng chính là ta đang nhận được trải nghiệm.

Điều này cũng đúng với con người. Nếu tất cả mọi người có cùng chức danh được trả chính xác như nhau, sẽ không có động cơ để ai đó trở nên nổi bật và mang lại giá trị lớn hơn. May mắn thay, thực tế không như vậy. Các thương hiệu mạnh kiếm được nhiều tiền hơn nhờ giá trị khác biệt mà họ cung cấp — cho giá trị mà họ thêm vào ngoài việc đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về tính năng cơ bản mà ai cũng có thể làm được.

Còn nhiều nữa những lợi ích từ Nhân hiệu của bạn, cùng đón đọc phần tiếp nhé.

Be Gentle,

Love.

05/05/2022 0 comment
1 FacebookTwitterPinterestEmail
Làm việc Tập đoàn trải nghiệm
Viết kết nối

Làm việc ở Tập đoàn là trải nghiệm gì?

by Dương My 18/04/2022

Từ lúc còn là học sinh cấp 3, tôi đã có cho mình suy nghĩ rằng luôn học thật tốt, có vị thế tốt để sau này vào làm việc để có trải nghiệm làm việc tại các Tập đoàn đa quốc gia, có cơ hội được trải nghiệp công việc ở nhiều nước trên thế giới và tránh xa các công ty gia đình đầy nhũng nhiễu. Có thể là nhờ một lòng đinh ninh như thế mà ngay từ công ty đầu tiên tôi vào làm đã là tập đoàn Tài chính Bảo hiểm lớn. Ngoài những điều học được về công việc, quy trình… không cần phải bàn cãi, thì những trải nghiệm bên ngoài công việc là những điều tôi trân quý vô cùng. Những trải nghiệm này mới là điều thật sự giúp tôi biết thế giới bên ngoài kia có những điều hay và mới và lạ đến thế.

Lần đầu tiên được bay đi công tác

Trong tâm trí của một đứa trẻ quê thì việc được di chuyển bằng máy bay hẳn là một niềm mong mỏi to tát. Tôi còn nhớ lúc sinh viên đã ghi vào wish list “Dẫn Mẹ đi đây đó bằng máy bay”.

Vậy nên kỉ niệm lần đầu bay tôi còn nhớ như in: năm 2013, đó là dịp tôi về tổ chức sự kiện khai trương văn phòng ở Bạc Liêu, cũng là lần đầu đi công tác. Tôi đã bay về Cà Mau và đi xe ngược lên Bạc Liêu. Suốt quãng đường bay, tôi cứ nhìn ra bầu trời ngoài cửa sổ máy bay. Quả là đẹp đẽ, cao rộng, nó mênh mông và lớn lao như những hoài bão trong lòng tôi vậy. Tôi cũng nhớ như in cảm xúc dạt dào rung cảm khi ngồi xe từ Cà Mau về Bạc Liêu, nghe bài Dạ cổ hoài lang. Chắc suốt đời này không có lần nào nghe hay bằng lần ấy.

Làm việc ở Tập đoàn trải nghiệm phong phú
Làm việc ở Tập đoàn lớn cho tôi những trải nghiệm mở mang tầm mắt…

Trải nghiệm làm việc Tập đoàn – Được đến các Khách sạn lớn tổ chức sự kiện

Công việc chính thức ở Tập đoàn tiếp theo của tôi kéo dài gần 4 năm, điều này cho tôi nhiều cơ hội được dự các sự kiện lớn của công ty. Đặc biệt là những lần vinh danh đội ngũ kinh doanh xuất sắc. Phải nói qua một xíu cho những ai chưa biết, ở những Tập đoàn Bảo hiểm Nhân thọ, vị thế của nhánh Sale (Kinh doanh) tạo ra danh số tốt rất cao. Nói nôm na là “có số đi rồi nói chuyện”. Vậy nên vào những dịp vinh danh, tưởng thưởng cuối năm, công ty sẽ không tiếc tiền tạo ra những sự kiện hoành tráng để những người Saler cảm thấy mình được trân trọng, thuyết phục họ thêm trung thành với công ty, thu hút người mới và cũng là một cách thị uy với các “công ty bạn” trên thị trường.

Là người phụ trách phần Truyền thông, dĩ nhiên những sự kiện này tôi cũng có cơ hội được “đi ké” để lấy tin bài, làm truyền thông, đi báo sau sự kiện. Tôi còn nhớ sự kiện năm đầu tiên tham gia cách đây gần 8 năm mà tổng chi phí đã là 6 tỷ, lúc ấy có ca sỹ nào nổi tiếng là mời về biểu diễn hết. Khỏi phải nói, các anh chị Kinh doanh thích thú vô cùng.

Hay như lần khách sạn 6* đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện, thì các Sếp cũng lựa chọn tổ chức tiệc sinh nhật công ty ngay sau ngày Khánh thành. Tuy phong cách nội thất không phải guu của tôi nhưng vẫn phải công nhận khách sạn hoành tráng sang trọng, sơn son thiếp vàng. Nếu không được dự sự kiện công ty, tôi cũng không biết khi nào mình mới đặt chân đến nơi này.

Hoặc những buổi Tiệc trà, Tiệc trưa gặp gỡ các anh chị đứng đầu các tờ báo lớn trên cả nước, tôi được cấp ngân sách tổ chức ở những khách sạn sang nhất Hà Nội. Giá tiền bộ ly tách của họ chắc cũng bằng cả tháng lương của những đứa mới đi làm.

Những lúc như vậy trong lòng tôi đều reo lên cùng một câu, đúng là: “Đi cho biết đó biết đây/ Ở nhà với Mẹ biết ngày nào khôn” ^^

Làm việc ở Tập đoàn giúp tôi trải nghiệm nhiều
… hướng tôi đến nơi ngậm tràn ánh sáng

Được đến những Lễ kí kết trang trọng

Một điều giúp đôi mắt tôi mở to hơn chính là được tham dự các Lễ ký kết của Sếp cấp cao với các ngân hàng đối tác. Ở những sự kiện này, tôi được gặp những nhân vật chủ chốt của những doanh nghiệp lớn, được nghe những chủ đề họ thảo luận cùng nhau, được cảm nhận khí chất của họ ở cự ly gần. Cứ mỗi lần như thế, tôi lại thấy mình phải tiến bộ, phải nỗ lực nhiều hơn nữa, để thăng cấp bản thân liên tục.

Năm đầu tiên tôi đi làm, có đợt công ty kí thoả thuận hợp tác với ngân hàng HD Bank, cuối sự kiện bên đó tặng cho mỗi người chúng tôi một bộ ấm tách. Tôi mang về cho Mẹ tuỳ ý sử dụng. Vậy mà Mẹ xem như báu vật, mỗi dịp Tết đến mới dám mang ra dùng, hết 3 ngày Tết là lau chùi cẩn thận cất lại vào hộp 😄

Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh ấy, tôi luôn thầm nhủ thế giới quan của mình phải rộng lớn hơn nữa để vững chải lo cho những người tôi yêu quý.

Người ta nói: “Bản lĩnh của người cha càng lớn, thế giới con cái sẽ càng được rộng mở, cũng sẽ càng trở nên xuất sắc”. Tôi không may mắn có con đường dọn sẵn nên chỉ quyết chí trở thành ngọn hải đăng cho chính mình, luôn ý thức phía trước mình có em nhỏ, phía sau còn có mẹ già.

Làm việc ở Tập đoàn nhiều trải nghiệm
Làm việc ở Tập đoàn nhiều trải nghiệm
Làm việc ở Tập đoàn nhiều trải nghiệm
Làm việc ở Tập đoàn nhiều trải nghiệm
Nghệ thuật trình diễn đa màu sắc

Lần đầu tiên được trải nghiệm những Lễ hội

Năm nay Tập đoàn tôi đang làm việc may mắn có Sếp Tổng mới về. Anh là một người đầy cấp tiến, tiên phong định vị hình ảnh và nhận diện công ty theo hướng Văn hoá & Nghệ thuật.

Có buổi nói chuyện với team Marketing chúng tôi, anh nói về hình ảnh người thợ máy làm việc nặng nhọc suốt ngày đêm nhưng thu nhập rất thấp. Vì sao vậy? Bởi vì công việc của họ lặp đi lặp lại cùng một động tác, không cần sáng tạo, không cần đổi mới. Anh vì thế mà luôn nỗ lực đưa những thứ mới mẻ vào quá trình tái định vị công ty. Tôi nghe mà lòng nhiều suy nghĩ, cả cho việc công ty lẫn những dự án tôi ấp ủ riêng mình.

Sự kiện gần đây nhất tôi được dự là Light Festival – Be bolder, từ thông điệp đến cách thể hiện vô cùng mới. Thay vì Year End hay New Year Gala mời toàn thể nhân viên đến nghe chia sẻ rồi ăn tối tại nhà hàng sang trọng như thường thấy. Anh tâm huyết chỉ đạo ekip từ ý tưởng ban đầu, đến giai đoạn thành hình và đưa vào thực tế vận hành.

Vén bức màn bước vào sảnh chờ là một không gian hoàn toàn khác, không có sân khấu, không micro nhưng đổi lại là nơi ngập tràn ánh sáng và sắc màu, nhiều khu vực chụp hình với các setting kĩ lưỡng. Tuy không khí chung sôi nổi là thế nhưng không thiếu những khoảng lặng, đủ cho – nếu có một ai đó chợt muốn dừng lại để suy nghĩ, chiêm nghiệm.

Thông qua những ý tưởng mới mẻ ấy, nhiều sự kiện với concept Ánh sáng dần xuất hiện, nhưng mỗi sự kiện là một phong cách đa dạng, không trùng lắp. Một cá thể nhỏ bé như tôi vì thế may mắn được nhìn ngắm những thứ lớn lao, đẹp đẽ, khai mở các giác quan và hiểu biết của mình.

Hãy ngắm nhìn cùng tôi nhé.

Làm việc ở Tập đoàn nhiều trải nghiệm
Làm việc ở Tập đoàn nhiều trải nghiệm
Làm việc ở Tập đoàn nhiều trải nghiệm
Làm việc ở Tập đoàn nhiều trải nghiệm
Làm việc ở Tập đoàn nhiều trải nghiệm
Những không gian sự kiện tràn sắc màu và đậm tính trình diễn nghệ thuật thị giác

Be Gentle,

Love.

18/04/2022 0 comment
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Popular PostViết Kinh doanhViết phát triển

Những bước xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội

by Dương My 10/10/2021

Trong bối cảnh mọi thứ diễn ra nhanh như vũ bão trên nền tảng internet, tất cả chúng ta đều nhanh chóng được định danh. Xây dựng thương hiệu cá nhân bền vững vốn không hề đơn giản, thực hiện điều đó trên nền tảng online lại càng trở nên thách thức hơn.

Xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội đòi hỏi bạn cần có những bước đi chỉn chu ngay từ đầu và nỗ lực duy trì nó mỗi ngày. Nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm về mặt này, hãy để tôi giúp bạn một tay nhé. Bài viết sẽ chia sẻ từng bước cần chuẩn bị:

Xác định hình tượng xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội

Trước nhất và quan trọng nhất vẫn phải xuất phát từ bạn, bạn mong muốn người ngoài nhìn nhận bạn ở vai trò và vị thế ra sao thì sẽ có chiến lược tạo ra hình tượng tương ứng.

Điều này phụ thuộc vào thị trường ngách mà bạn tập trung xem là mũi nhọn phát triển, phụ thuộc vào sản phẩm/ dịch vụ bạn đang kinh doanh. Một khi xác định được hình tượng thương hiệu sẽ giúp bạn định hình được ngôn từ, hình ảnh, video… các nội dung sáng tạo của riêng mình.

Hình tượng thương hiệu sẽ được thể hiện thống nhất và bao trùm trên các khía cạnh: cách bạn truyền tải nội dung (cách viết, chia sẻ hình ảnh, video…); cách xưng hô, cách bạn trò chuyện… Tất cả những điều bạn thể hiện đều tổng hoà tạo nên một chỉnh thể thống nhất.

Mình ví dụ cho bạn dễ hiểu từ cá nhân mình, đây là hình tượng mình xác định cho bản thân:

  • Bản thân My xác định muốn theo đuổi hình ảnh chuyên nghiệp của một Diễn giả, người Đào tạo, trí thức và đáng tin cậy
  • Sự trí thức đó thể hiện ở kiến thức trải rộng nhiều lĩnh vực và luôn trong trạng thái hoàn thiện bản thân mỗi ngày
  • Tính cách có phần hài hước, tươi vui chứ không quá trịnh trọng, sự hài hước thông minh

Khi đã hiểu rõ bản thân, My định hình được hình tượng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội của mình như sau:

  • Là Diễn giả, người Đào tạo có uy tín thì những nội dung, kiến thức mình chia sẻ cần đảm bảo độ chính xác cao, được kiểm chứng và có trích nguồn.
  • Bản thân mình cũng phải luôn cập nhật kiến thức mới trong lĩnh vực mình xây dựng profile nên cần khoanh vùng các nội dung chia sẻ trong các hướng mũi nhọn của bản thân.
  • Giọng văn gần gũi, giản dị và chân thành.

Hãy luôn đồng nhất về cách chúng ta truyền tải trong từng nội dung, điều này giúp số đông nhớ đến dấu ấn của bạn.

xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội

Hoàn thiện profile khi xây dựng thương hiệu cá nhân mạng xã hội

Ngày nay, khi việc tìm kiếm thông tin về một ai đó trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, vì thế mà profile trên trang mạng xã hội gần như trở thành chiếc CV của bạn. Thế thì, bình thường ta chăm chút CV của mình thế nào thì hãy chuẩn bị cho profile mạng xã hội (MXH) chỉn chu thế ấy. Tuỳ tính chất công việc mà platform MXH bạn tập trung khai thác có thể là LinkedIn, Facebook, YouTube, IG, TikTok… Một khi đã chọn kênh nào làm chủ lực thì tập trung hoàn chỉnh profile trên kênh đó nhé.

Cùng điểm qua các danh mục cần lưu ý chuẩn bị:

  • Hình đại diện (avatar) khuôn mặt của bạn thân thiện, cười tươi hoặc nhìn chuyên nghiệp.
  • Hình cover liên quan tới công việc của bạn, hình ảnh đẹp của bạn.
  • Giới thiệu (intro): ghi thông tin công việc, chức vụ, nơi làm của bạn, link các bài báo online nói về bạn, các dự án website, link tất cả kênh mạng xã hội khác của bạn.
  • Sở thích: những sở thích có liên quan, bổ trợ cho công việc cần được ưu tiên.
  • Hình feature: chọn các hình nổi bật nhất, đẹp nhất, và miêu tả rõ hình tượng bạn hướng tới như trong bước 1.
  • Bio: dòng ngắn miêu tả về bản thân: nói về công việc, thành tựu, triết lý sống…

Các hạng mục này hầu như các trang MXH đều yêu cầu như nhau, bạn nên thống nhất dùng cùng một nội dung thông tin trên các kênh, để tăng mức độ nhận diện về sau.

hoàn chỉnh hồ sơ mạng xã hội

Lên kế hoạch và chiến lược tác chiến

Có một câu nói ngắn gọn của Marcus Tullius Cicero tôi rất thích: “Trước khi bắt đầu, hãy lên kế hoạch cẩn thận”. Việc lên kế hoạch sẽ giúp bạn tự vẽ ra bức tranh từ bao quát đến chi tiết, để chính mình xem xét kĩ lưỡng tất cả các yếu tố trước khi bắt tay vào làm thực tế. Bước này sẽ giúp cho chúng ta phát hiện ra những lỗ hổng khi chỉ để chúng trong đầu, những thiếu xót cần được bổ khuyết.

Vậy, cụ thể cần lên những kế hoạch gì?

  • Khai thác thị trường ngách hoặc siêu ngách nào?
  • Làm sao để tối đa hoá những mặt ưu, cải thiện mặt khuyết của bản thân?
  • Lên kế hoạch phát triển các kênh MXH, kế hoạch sản xuất nội dung (viết bài, làm hình, làm video…)

Hãy viết xuống kế hoạch của mình. Thời điểm bạn làm xong điều này, bạn chắc chắn đã trao cho ước muốn mơ hồ một hình thái cụ thể. – Napoleon Hill

Học cách sản xuất nội dung trên MXH

Bước này sẽ đến sau khi bạn đã “tìm cho mình một lối đi riêng” – tìm ra thị trường ngách. Đây có thể là những bước vỡ lòng, nhập môn content marketing. Đã là bộ môn thì thật sự viết bao nhiêu bài cũng không đủ. Nên mở phần này tôi chỉ ghi chú những điều cơ bản nhất để ai cũng có thể hiểu và bắt tay làm được.

Các dạng nội dung cần ưu tiên thực hiện:

Là một newbie, có thể giai đoạn đầu bạn sẽ cảm thấy hơi bối rối vì không biết nên viết gì trước? Viết thế nào? và viết ra sao? Vậy hãy ưu tiên các dạng nội dung bên dưới, vừa làm sinh động trang MXH của bạn vừa mở ra cơ hội kiếm tiền online (MMO) về sau:

  • Chia sẻ về những điều bạn học được, làm được, thành tựu lớn nhỏ và hành trình đạt đến thành tựu đó.
  • Dạng bài review: những sản phẩm, dịch vụ bạn đã sử dụng, trải nghiệm, có ưu điểm – khuyết điểm thì cứ thẳng thắn chia sẻ. Chính điều này làm tăng tính chân thật và đáng tin cậy của bạn.
  • Hướng dẫn cách làm, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện một điều gì đó. Hãy cố gắng chia sẻ càng tỉ mỉ, cụ thể càng tốt, giống như bạn lúc đầu chưa biết gì phải tìm tòi từng chút vậy.

Hình ảnh:

Hãy chú trọng đến hình ảnh, cố gắng chăm chút mỗi chiếc hình đăng lên giống như mỗi lần bạn xuất hiện trước những người follow bạn vậy:

  • Ánh sáng vừa phải, dễ chịu mắt người nhìn
  • Bố cục cân đối, hình có nội dung thay vì chỉ post những hình selfie phồng má chu mỏ
  • Canvas xuất hiện và giúp cho việc tham tác với hình ảnh dễ hơn bao giờ hết. Bạn có thể lựa chọn bất kì template nào sẵn có, down về và add hình của bản thân. Vậy là bạn đã có những thiết kế thật xinh xắn, chỉn chu và không phải nhọc công hay đòi hỏi bạn phải biết thiết kế.

Tham khảo những template đa dạng sắc màu tại đây: https://ig-templates.com/ref/32/

Video, GIF

Xu hướng hành vi người dùng ngày càng ưu tiên xem video, đặc biệt là các video ngắn, vì thế bạn nên trang bị cho mình kĩ năng quay, dựng và xử lý video để đang dạng cách truyền tải thông tin đến độc giả của mình.

Những app cơ bản có template sẵn, bổ trợ cho người không chuyên có thể kể đến như CapCut, http://giphy.com/…

Các kiến thức thường thức:

  • Cần có kiến thức SEO cơ bản để khi bạn viết nội dung tuân thủ những nguyên tắc ấy để nội dung có cơ hội tiếp cận nhiều người đọc theo sự đề xuất của Google.
  • Cập nhật những khung giờ đăng bài tối ưu của từng kênh như Facebook, Instagram, YouTube…
  • Hiểu tương đối về hashtag, footer dưới phần nội dung đăng tải: phần này giúp người đọc dễ dàng tìm đến các trang MXH khác của bạn. My ví dụ phần này My hay viết rằng:

#bloggerMyDuong #tgwwriters

-“-“-“-“-“-“-“-“-

Chiếc blog được tạo bởi Blogger My Dương

Web: https://duongmy.com/

IG: https://instagram.com/blogger_tgwwriters

Page: https://www.facebook.com/TheGentlewomanWriter

Pin: https://www.pinterest.com/Blogger_TheGentlewomanWriter/

Tăng độ phủ và thu hút người theo dõi

Tích cực pr profile cá nhân để tăng lượng người biết đến và theo dõi bạn:

  • Tham gia các group có tệp độc giả bạn nhắm đến, viết bài và đóng góp thường xuyên. Và đóng góp
  • Trên page cá nhân hoặc các group liên quan để duy trì tương tác với follower
  • Đa dạng hình thức và nền tảng chia sẻ, hướng dẫn những điều hữu ích đến cho độc giả của mình: tổ chức workshop online qua zoom hoặc Google meet, livestream trên facebook, những buổi Talk mở trên OnMic… để luôn tiếp cận được những tệp khách hàng tiềm năng.
  • Thêm bước cao cấp hơn chính là tạo phễu marketing như ebook, tài liệu, template miễn phí… để thu hút thêm khách hàng và chuyển đổi.

Điểm qua những điểm cơ bản về xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội là thế, chúng ta hãy chuẩn bị dần để profile các trang MXH dần được chuẩn hoá. Bạn hãy theo dõi blog để cho thêm nhiều cập nhật về topic này bạn nhé.

Nếu muốn được tư vấn nhiều hơn, hãy kết nối với tôi tại đây nhé

Be Gentle,

Love.

10/10/2021 0 comment
1 FacebookTwitterPinterestEmail
thông cáo báo chí
Viết chuyên môn

5 bước soạn Thông cáo Báo chí

by Dương My 08/07/2020

Một trong những công việc chuyên môn tiêu biểu nhất của một người làm công việc Quan hệ Công chúng phải kể đến hẳn là viết: viết Thông cáo Báo chí, viết bài Editorial, bài Advertorial… Trong đó nổi bật là Thông cáo Báo chí, đây được xem là một văn bản chính thống nhất, thông tin chuẩn xác nhất từ một doanh nghiệp, tổ chức công bố ra bên ngoài công chúng mỗi khi có những sự kiện quan trọng cần bố cáo.

  1. Doanh nghiệp gởi Thông cáo Báo chí khi nào?

Có một số lý do tiêu biểu, phổ biến khi doanh nghiệp muốn phát hành Thông cáo Báo chí:

  • Khi muốn ra mắt sản phẩm, dịch vụ mới; khi khai trương chi nhánh mới muốn thu hút sự chú ý của truyền thông
  • Có những chiến dịch xây dựng thương hiệu, muốn giới thiệu thương hiệu đến công chúng nhiều hơn.
  • Hay thậm chí khi có những thông tin quan trọng cần đính chính, doanh nghiệp sẽ dùng Thông cáo Báo chí để cung cấp những thông tin chính thống, đúng đắn.

Ví dụ: AIM Academy sẽ khai trương trung tâm đào tạo thực tế các môn học về ngành Marketing & Communication chi nhánh 2 tại Hà Nội vào tháng 9/2021. Như vậy, sự kiện mà AIM Academy muốn công chúng biết đến chính là việc trung tâm đào tạo này khai trương chi nhánh 2 tại Hà Nội, nhằm nâng cao danh tiếng và thu hút học viên ở khu vực miền Bắc.

viết thông cáo báo chí
Thông cáo Báo chí là văn bản cập nhật những thông tin chính thống của Doanh nghiệp đến với báo giới và công chúng

 

2. Mối liên hệ giữa Thông cáo Báo chí và bản tin lên báo

Có thể nói sự kiện doanh nghiệp chính là nguồn của bản tin trên báo, bởi những bài viết trên mặt báo đều phải dựa vào những sự kiện, sự việc có thật trong đời sống xã hội, trong doanh nghiệp.

Vậy làm thế nào để tạo ra một bản tin báo từ sự kiện trong doanh nghiệp của bạn? Ý ở đây là thể hiện sự chủ động của Doanh nghiệp trong việc tạo ra tin tức, tiếp cận báo chí thay vì để mình ở thế bị động. Như vậy, Thông cáo Báo chí có thể phát huy tối đa vai trò trong những trường hợp này. Từ Thông cáo Báo chí, doanh nghiệp có thể khéo léo lồng ghép những thông tin mình muốn truyền tải đến với giới báo chí một cách chính thức.

Tuy nhiên cũng cần lưu rằng, mỗi tuần một toà soạn báo thông thường có thể nhận hàng chục hoặc hàng trăm bản Thông cáo Báo chí, và không phải bản nào cũng được chuyển thành bản tin và đăng tải trên báo, mà phần lớn đều được cất rất kĩ trong hộc tủ. Lý do là vì thông tin từ những doanh nghiệp này không chuẩn, không đầy đủ, không hấp dẫn, không đủ dữ liệu thuyết phục, không có giá trị để khai thác.

Vậy hãy đọc phần bên dưới để biết thế nào là viết chuẩn, đẩy đủ và hấp dẫn nhé.

“Có thể nói sự kiện doanh nghiệp chính là nguồn của bản tin trên báo, bởi những bài viết trên mặt báo đều phải dựa vào những sự kiện, sự việc có thật trong đời sống xã hội, trong doanh nghiệp.”

My Dương

 

3. Kỹ thuật viết một bản tin, bài báo

Khi chưa được hướng dẫn, những người mới vào nghề đều viết Thông cáo Báo chí như viết văn, có mở bài – thân bài – kết luận như thời còn đi học. Và tất nhiên, Thông cáo Báo chí không phải là một bài văn, không có mở bài, cũng không có kết luận; cần viết thẳng vào nội dung chính và cung cấp cho người đọc những thông tin rõ ràng, cụ thể.

 

3.1 Công thức 5W + H:

Một bản tin hay một Thông cáo Báo chí tốt là khi đọc vào nắm ngay được những nội dung cơ bản, chính yếu nhất như sự kiện của ai, diễn ra ở đâu, diễn ra khi nào, hậu quả/ kết quả ra sao… Còn nếu đã đọc đến hơn 1/2 bản Thông cáo Báo chí nhưng người đọc vẫn không thể nắm được bản tin muốn nói điều gì, thì đó là một bản tin dở, không thể đăng tải được.

Để giải quyết điều này rất đơn giản, chỉ cần người viết bám sát công thức 5W + H, nghĩa là:

When: Khi nào diễn ra?; Where: Diễn ra ở đâu?; What: Sự kiện gì? Có tính chất ra sao?; Who: Ai? Liên quan đến ai?; Why: Tại sao lại có sự kiện này?; How: Sự kiện, sự việc diễn ra như thế nào?

Mô hình 5W-1H
Bám sát công thức 5W + 1H sẽ đảm bảo đủ những thông tin quan trọng nhất của một bài Thông cáo Báo chí

Ví dụ: Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2021 – Trung tâm đào tạo thực tế các môn học về ngành Marketing & Communication AiM Academy (AIM Academy) khánh thành chi nhánh 2 tại địa chỉ số 80 đường Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nhằm mang đến môi trường “Học thực tiễn, làm chuyên nghiệp” cho các học viên sống tại Hà Nội và các tỉnh phía bắc.

Ban Giáo vụ trung tâm AiM Academy đã chiêu mộ đội ngũ giảng viên dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực Truyền thông Marketing cũng như cung cấp hệ thống khoá học đa dạng đã được nghiên cứu và thử nghiệm thời gian dài. Trung tâm hứa hẹn sẽ là điểm đến học tập chất lượng, xứng đáng là sự lựa chọn hàng đầu cho những ai tìm kiếm kiến thức hữu ích, mở ra những cơ hội công việc mới.

Phân tích ví dụ: When: tháng 9 năm 2021; Where: số 80 đường Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; What: AiM Academy khánh thành chi nhánh 2 tại Hà Nội; Who: AiM Acedemy, các học viên sống tại Hà Nội và các tỉnh miền bắc; Why: mang đến môi trường “Học thực tiễn, làm chuyên nghiệp” cho học viên; How: cụm thông tin diễn giải chi tiết ở đoạn 2.

 

3.2 Cách đặt tiêu đề của một bản tin báo chí:

Mỗi bài Thông cáo Báo chí hay bản tin đều có tên tiêu đề, hay chuyên ngành báo chí thường gọi là “tít”. “Tít” là một bộ phận quan trọng của toàn bộ bài viết, luôn được viết chữ lớn, đặt ở vị trí bắt mắt nhất và mang nhiệm vụ thu hút sự chú ý của người đọc. Tít bài sẽ quyết định người đọc lựa chọn đọc hay không đọc bài báo đó, nếu tít bài nhàm chán không thu hút thì cũng sẽ không ai đọc đến nội dung bên dưới dù thông tin có giá trị thế nào.

  • Một số gợi ý trong việc đặt tiêu đề:
  • Tít cần xúc tích, dễ hiểu, gói gọn khoảng 11 từ
  • Tít không cần phải là một câu hoàn chỉnh đủ chủ ngữ, vị ngữ, điểm mấu chốt là phải chứa được thông tin quan trọng nhất mà tác giả muốn truyền tải
  • Tít nên chứa thông tin cụ thể, có số liệu càng tốt, không nên viết chung chung; nên chứa từ ngữ khơi gợi sự tò mò
  • Nếu nội dung dài, có nhiều mục nhỏ thì nên có tít phụ, từ chuyên môn là sub-headline

 

3.3 Tính chính xác và có thật của sự kiện:

Khi doanh nghiệp cung cấp thông tin cho báo giới thông qua bản Thông cáo Báo chí thì điều đầu tiên và quan trọng nhất cần đảm bảo tính là TÍNH ĐÚNG ĐẮN và TÍNH ĐẦY ĐỦ của thông tin. Nếu vì một lý do nào đó mà doanh nghiệp cung cấp thông tin không chính xác, báo giới dùng thông tin ấy đăng tải mà không kiểm chứng thì trở thành giả dối, lừa bịp, ảnh hưởng đến quyền lợi và sự tín nhiệm của người đọc.

Trên thực tế hẳn các bạn từng đọc thấy nhiều tin tức trên báo do một số doanh nghiệp có hành vi chơi xấu trong kinh doanh công bố những thông tin không chính xác nhằm “dìm” đối thủ, cánh báo chí nếu không có bước kiểm nghiệm mà vội vàng đăng tải sẽ làm ảnh hưởng những doanh nghiệp chẳng may bị nhắc đến. Nếu có bước đăng thông tin đính chính cũng không chắn công chúng đã đọc được, thậm chí đọc được chưa chắc họ đã tin.

Vì vậy có thể nói đảm bảo tính chính xác và có thật của sự kiện trong các Thông cáo Báo chí và tin báo chính là thể hiện đạo đức nghề nghiệp của người làm truyền thông và phóng viên báo đài.

 

3.4 Mô hình Kim tự tháp ngược của bản tin báo chí:

Theo những thống kê về thói quen tiếp nhận thông tin người đọc, thông thường sẽ chỉ đọc tập trung 1/3 thông tin bên trên của một mẫu nội dung, chính vì vậy mô hình này cũng được khái lược dựa trên nguyên lý này. Cụ thể là những thông tin quan trọng nhất sẽ được thể hiện dày đặc ở phần trên của bản tin, càng về cuối sẽ càng ít quan trọng.

Áp dụng theo nguyên tắc này, khi viết Thông cáo Báo chí bạn cũng nên áp dụng triệt để mô hình này, vậy thì khi biên tập tin bài, biên tập viên chỉ cần cắt bớt những nội dung bên dưới và vẫn đảm bảo những phần chi tiết, thông tin quan trọng.

Nguyên tắc của mô hình Kim tự tháp:

  • Những nội dung quan trọng nhất, thu hút nhất đưa lên ngay đầu bài viết
  • Tít bài viết nằm trên cùng, chứa thông tin chính
  • Càng về bên dưới tính quan trọng của thông tin càng giảm dần
  • Nội dung bên dưới cùng không cần là kết luận mà nên tăng cường thông tin so sánh, tư liệu
mô hình Kim tự tháp ngược đi tin bài, truyền thông hiệu quả
Mô hình Kim tự tháp là hình tượng dễ nhớ của một bài Thông cáo Báo chí chuẩn

 

3.5 Ảnh dùng kèm:

Như chia sẻ chi tiết bên trên, thông tin cần đảm bảo theo công thức 5W + H thì một bức ảnh dùng để minh hoạ nội dung cũng cần lồng ghép được tính chất 5H + H vào trong bức ảnh đó.

Trở lại ví dụ bên trên của chúng ta, thông tin ghi AIM Academy sẽ khai trương trung tâm đào tạo thực tế các môn học về ngành Marketing & Communication chi nhánh 2 tại Hà Nội vào tháng 9/2021, như vậy tấm ảnh minh hoạ tối ưu nhất trong trường hợp này chính là được chụp ngay tại sự kiện đó để người xem thấy được tính xác thực, tính cập nhật của sự kiện, như vậy sẽ hoàn toàn thuyết phục độc giả.

Một số lưu ý khi chụp và chọn ảnh đi tin kèm Thông cáo Báo chí:

  • Phải có chú thích đi kèm rõ ràng, diễn giải cho nội dung bên trong, nếu có các nhân vật quan trọng thì cần ghi chú
  • Khi chụp cần xác định được chủ thể, chủ điểm của tấm ảnh; có mục đích, mục tiêu rõ ràng; không chụp đại, chụp cho có
  • Chụp nhiều tấm, nhiều góc độ: chụp xa để lấy cảnh bao quát, chụp gần để đặc tả, chụp nhiều ảnh để bổ trợ nội dung cho nhau.
  • Chụp nhiều ảnh nên lưu trữ lại dù chỉ dùng 1,2 tấm tốt nhất; ảnh này sẽ được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau về sau.
  • Ảnh trước khi đăng tải nên được xử lý về màu sắc, độ sáng, sắc nét để phát huy hết công năng bổ trợ cho bài viết.
  • Ảnh nên rõ, đẹp, bố cục cân đối, dung lượng lớn để có các xử lý, in ấn khi cần.
cách viết thông cáo báo chí chuẩn chỉnh

Bài viết thuộc chuỗi bài đăng “Góc chuyên gia” trên trang AIM Academy.

Tác giả bài viết: My Dương – Marketer, Trainer & Writer

08/07/2020 1 comment
0 FacebookTwitterPinterestEmail
  • 1
  • 2

About Me

About Me

My Dương – Marketer, Trainer and Writer

Với niềm yêu thích bộc lộ suy nghĩ, chia sẻ kiến thức qua từng câu chữ được viết xuống, mình lập blog này để nhắc nhở bản thân chăm chỉ viết, truyền tải thông điệp tích cực và truyền cảm hứng cho những người luôn người nỗ lực để trở nên ưu tú hơn mỗi ngày.

Recent Posts

  • The Value of Little Things: A Team Building Reflection

    20/08/2024
  • FUNdamentals – Những điều bé nhỏ quý giá

    19/08/2024
  • Con đường sự nghiệp chân ái 

    09/03/2024
  • Phát triển Sự nghiệp song song

    03/03/2024
  • Con số năm cá nhân từ 6-9, có gì hot?

    25/02/2024

Về tác giả

banner
My Dương – Marketer, Trainer and Writer

Một cô gái luôn nỗ lực để bản thân trở nên ưu tú hơn mỗi ngày. Mong muốn sống cuộc đời tự tại như một cánh chim trời.

Xem nhiều

  • 1

    6 chìa khoá vàng đánh giá thông tin và chất lượng nguồn thông tin

    08/07/2020
  • 2

    5 bước soạn Thông cáo Báo chí

    08/07/2020
  • 3

    Ước mơ quan trọng thế nào với người trẻ?

    08/07/2020

Đăng ký

  • Facebook
  • Instagram
  • Pinterest
  • Email

COPYRIGHT © MY DUONG

The Gentlewoman Writer
  • Trang chủ
  • Về tôi – The Gentlewoman Writer
    • BUY ME A TEA
    • Tư vấn 1:1
  • Viết
    • Viết chuyên môn
    • Viết kết nối
    • Viết Kinh doanh
    • Viết phát triển
    • Viết sách
  • Khoá học
    • Đôi nét về Giảng viên
  • Trang Tài nguyên
  • Youtube
  • Podcast