The Gentlewoman Writer
  • Trang chủ
  • Về tôi – The Gentlewoman Writer
    • BUY ME A TEA
    • Tư vấn 1:1
  • Viết
    • Viết chuyên môn
    • Viết kết nối
    • Viết Kinh doanh
    • Viết phát triển
    • Viết sách
  • Khoá học
    • Đôi nét về Giảng viên
  • Trang Tài nguyên
  • Youtube
  • Podcast
0
Tag:

thông cáo báo chí

thông cáo báo chí
Viết chuyên môn

5 bước soạn Thông cáo Báo chí

by Dương My 08/07/2020

Một trong những công việc chuyên môn tiêu biểu nhất của một người làm công việc Quan hệ Công chúng phải kể đến hẳn là viết: viết Thông cáo Báo chí, viết bài Editorial, bài Advertorial… Trong đó nổi bật là Thông cáo Báo chí, đây được xem là một văn bản chính thống nhất, thông tin chuẩn xác nhất từ một doanh nghiệp, tổ chức công bố ra bên ngoài công chúng mỗi khi có những sự kiện quan trọng cần bố cáo.

  1. Doanh nghiệp gởi Thông cáo Báo chí khi nào?

Có một số lý do tiêu biểu, phổ biến khi doanh nghiệp muốn phát hành Thông cáo Báo chí:

  • Khi muốn ra mắt sản phẩm, dịch vụ mới; khi khai trương chi nhánh mới muốn thu hút sự chú ý của truyền thông
  • Có những chiến dịch xây dựng thương hiệu, muốn giới thiệu thương hiệu đến công chúng nhiều hơn.
  • Hay thậm chí khi có những thông tin quan trọng cần đính chính, doanh nghiệp sẽ dùng Thông cáo Báo chí để cung cấp những thông tin chính thống, đúng đắn.

Ví dụ: AIM Academy sẽ khai trương trung tâm đào tạo thực tế các môn học về ngành Marketing & Communication chi nhánh 2 tại Hà Nội vào tháng 9/2021. Như vậy, sự kiện mà AIM Academy muốn công chúng biết đến chính là việc trung tâm đào tạo này khai trương chi nhánh 2 tại Hà Nội, nhằm nâng cao danh tiếng và thu hút học viên ở khu vực miền Bắc.

viết thông cáo báo chí
Thông cáo Báo chí là văn bản cập nhật những thông tin chính thống của Doanh nghiệp đến với báo giới và công chúng

 

2. Mối liên hệ giữa Thông cáo Báo chí và bản tin lên báo

Có thể nói sự kiện doanh nghiệp chính là nguồn của bản tin trên báo, bởi những bài viết trên mặt báo đều phải dựa vào những sự kiện, sự việc có thật trong đời sống xã hội, trong doanh nghiệp.

Vậy làm thế nào để tạo ra một bản tin báo từ sự kiện trong doanh nghiệp của bạn? Ý ở đây là thể hiện sự chủ động của Doanh nghiệp trong việc tạo ra tin tức, tiếp cận báo chí thay vì để mình ở thế bị động. Như vậy, Thông cáo Báo chí có thể phát huy tối đa vai trò trong những trường hợp này. Từ Thông cáo Báo chí, doanh nghiệp có thể khéo léo lồng ghép những thông tin mình muốn truyền tải đến với giới báo chí một cách chính thức.

Tuy nhiên cũng cần lưu rằng, mỗi tuần một toà soạn báo thông thường có thể nhận hàng chục hoặc hàng trăm bản Thông cáo Báo chí, và không phải bản nào cũng được chuyển thành bản tin và đăng tải trên báo, mà phần lớn đều được cất rất kĩ trong hộc tủ. Lý do là vì thông tin từ những doanh nghiệp này không chuẩn, không đầy đủ, không hấp dẫn, không đủ dữ liệu thuyết phục, không có giá trị để khai thác.

Vậy hãy đọc phần bên dưới để biết thế nào là viết chuẩn, đẩy đủ và hấp dẫn nhé.

“Có thể nói sự kiện doanh nghiệp chính là nguồn của bản tin trên báo, bởi những bài viết trên mặt báo đều phải dựa vào những sự kiện, sự việc có thật trong đời sống xã hội, trong doanh nghiệp.”

My Dương

 

3. Kỹ thuật viết một bản tin, bài báo

Khi chưa được hướng dẫn, những người mới vào nghề đều viết Thông cáo Báo chí như viết văn, có mở bài – thân bài – kết luận như thời còn đi học. Và tất nhiên, Thông cáo Báo chí không phải là một bài văn, không có mở bài, cũng không có kết luận; cần viết thẳng vào nội dung chính và cung cấp cho người đọc những thông tin rõ ràng, cụ thể.

 

3.1 Công thức 5W + H:

Một bản tin hay một Thông cáo Báo chí tốt là khi đọc vào nắm ngay được những nội dung cơ bản, chính yếu nhất như sự kiện của ai, diễn ra ở đâu, diễn ra khi nào, hậu quả/ kết quả ra sao… Còn nếu đã đọc đến hơn 1/2 bản Thông cáo Báo chí nhưng người đọc vẫn không thể nắm được bản tin muốn nói điều gì, thì đó là một bản tin dở, không thể đăng tải được.

Để giải quyết điều này rất đơn giản, chỉ cần người viết bám sát công thức 5W + H, nghĩa là:

When: Khi nào diễn ra?; Where: Diễn ra ở đâu?; What: Sự kiện gì? Có tính chất ra sao?; Who: Ai? Liên quan đến ai?; Why: Tại sao lại có sự kiện này?; How: Sự kiện, sự việc diễn ra như thế nào?

Mô hình 5W-1H
Bám sát công thức 5W + 1H sẽ đảm bảo đủ những thông tin quan trọng nhất của một bài Thông cáo Báo chí

Ví dụ: Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2021 – Trung tâm đào tạo thực tế các môn học về ngành Marketing & Communication AiM Academy (AIM Academy) khánh thành chi nhánh 2 tại địa chỉ số 80 đường Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nhằm mang đến môi trường “Học thực tiễn, làm chuyên nghiệp” cho các học viên sống tại Hà Nội và các tỉnh phía bắc.

Ban Giáo vụ trung tâm AiM Academy đã chiêu mộ đội ngũ giảng viên dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực Truyền thông Marketing cũng như cung cấp hệ thống khoá học đa dạng đã được nghiên cứu và thử nghiệm thời gian dài. Trung tâm hứa hẹn sẽ là điểm đến học tập chất lượng, xứng đáng là sự lựa chọn hàng đầu cho những ai tìm kiếm kiến thức hữu ích, mở ra những cơ hội công việc mới.

Phân tích ví dụ: When: tháng 9 năm 2021; Where: số 80 đường Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; What: AiM Academy khánh thành chi nhánh 2 tại Hà Nội; Who: AiM Acedemy, các học viên sống tại Hà Nội và các tỉnh miền bắc; Why: mang đến môi trường “Học thực tiễn, làm chuyên nghiệp” cho học viên; How: cụm thông tin diễn giải chi tiết ở đoạn 2.

 

3.2 Cách đặt tiêu đề của một bản tin báo chí:

Mỗi bài Thông cáo Báo chí hay bản tin đều có tên tiêu đề, hay chuyên ngành báo chí thường gọi là “tít”. “Tít” là một bộ phận quan trọng của toàn bộ bài viết, luôn được viết chữ lớn, đặt ở vị trí bắt mắt nhất và mang nhiệm vụ thu hút sự chú ý của người đọc. Tít bài sẽ quyết định người đọc lựa chọn đọc hay không đọc bài báo đó, nếu tít bài nhàm chán không thu hút thì cũng sẽ không ai đọc đến nội dung bên dưới dù thông tin có giá trị thế nào.

  • Một số gợi ý trong việc đặt tiêu đề:
  • Tít cần xúc tích, dễ hiểu, gói gọn khoảng 11 từ
  • Tít không cần phải là một câu hoàn chỉnh đủ chủ ngữ, vị ngữ, điểm mấu chốt là phải chứa được thông tin quan trọng nhất mà tác giả muốn truyền tải
  • Tít nên chứa thông tin cụ thể, có số liệu càng tốt, không nên viết chung chung; nên chứa từ ngữ khơi gợi sự tò mò
  • Nếu nội dung dài, có nhiều mục nhỏ thì nên có tít phụ, từ chuyên môn là sub-headline

 

3.3 Tính chính xác và có thật của sự kiện:

Khi doanh nghiệp cung cấp thông tin cho báo giới thông qua bản Thông cáo Báo chí thì điều đầu tiên và quan trọng nhất cần đảm bảo tính là TÍNH ĐÚNG ĐẮN và TÍNH ĐẦY ĐỦ của thông tin. Nếu vì một lý do nào đó mà doanh nghiệp cung cấp thông tin không chính xác, báo giới dùng thông tin ấy đăng tải mà không kiểm chứng thì trở thành giả dối, lừa bịp, ảnh hưởng đến quyền lợi và sự tín nhiệm của người đọc.

Trên thực tế hẳn các bạn từng đọc thấy nhiều tin tức trên báo do một số doanh nghiệp có hành vi chơi xấu trong kinh doanh công bố những thông tin không chính xác nhằm “dìm” đối thủ, cánh báo chí nếu không có bước kiểm nghiệm mà vội vàng đăng tải sẽ làm ảnh hưởng những doanh nghiệp chẳng may bị nhắc đến. Nếu có bước đăng thông tin đính chính cũng không chắn công chúng đã đọc được, thậm chí đọc được chưa chắc họ đã tin.

Vì vậy có thể nói đảm bảo tính chính xác và có thật của sự kiện trong các Thông cáo Báo chí và tin báo chính là thể hiện đạo đức nghề nghiệp của người làm truyền thông và phóng viên báo đài.

 

3.4 Mô hình Kim tự tháp ngược của bản tin báo chí:

Theo những thống kê về thói quen tiếp nhận thông tin người đọc, thông thường sẽ chỉ đọc tập trung 1/3 thông tin bên trên của một mẫu nội dung, chính vì vậy mô hình này cũng được khái lược dựa trên nguyên lý này. Cụ thể là những thông tin quan trọng nhất sẽ được thể hiện dày đặc ở phần trên của bản tin, càng về cuối sẽ càng ít quan trọng.

Áp dụng theo nguyên tắc này, khi viết Thông cáo Báo chí bạn cũng nên áp dụng triệt để mô hình này, vậy thì khi biên tập tin bài, biên tập viên chỉ cần cắt bớt những nội dung bên dưới và vẫn đảm bảo những phần chi tiết, thông tin quan trọng.

Nguyên tắc của mô hình Kim tự tháp:

  • Những nội dung quan trọng nhất, thu hút nhất đưa lên ngay đầu bài viết
  • Tít bài viết nằm trên cùng, chứa thông tin chính
  • Càng về bên dưới tính quan trọng của thông tin càng giảm dần
  • Nội dung bên dưới cùng không cần là kết luận mà nên tăng cường thông tin so sánh, tư liệu
mô hình Kim tự tháp ngược đi tin bài, truyền thông hiệu quả
Mô hình Kim tự tháp là hình tượng dễ nhớ của một bài Thông cáo Báo chí chuẩn

 

3.5 Ảnh dùng kèm:

Như chia sẻ chi tiết bên trên, thông tin cần đảm bảo theo công thức 5W + H thì một bức ảnh dùng để minh hoạ nội dung cũng cần lồng ghép được tính chất 5H + H vào trong bức ảnh đó.

Trở lại ví dụ bên trên của chúng ta, thông tin ghi AIM Academy sẽ khai trương trung tâm đào tạo thực tế các môn học về ngành Marketing & Communication chi nhánh 2 tại Hà Nội vào tháng 9/2021, như vậy tấm ảnh minh hoạ tối ưu nhất trong trường hợp này chính là được chụp ngay tại sự kiện đó để người xem thấy được tính xác thực, tính cập nhật của sự kiện, như vậy sẽ hoàn toàn thuyết phục độc giả.

Một số lưu ý khi chụp và chọn ảnh đi tin kèm Thông cáo Báo chí:

  • Phải có chú thích đi kèm rõ ràng, diễn giải cho nội dung bên trong, nếu có các nhân vật quan trọng thì cần ghi chú
  • Khi chụp cần xác định được chủ thể, chủ điểm của tấm ảnh; có mục đích, mục tiêu rõ ràng; không chụp đại, chụp cho có
  • Chụp nhiều tấm, nhiều góc độ: chụp xa để lấy cảnh bao quát, chụp gần để đặc tả, chụp nhiều ảnh để bổ trợ nội dung cho nhau.
  • Chụp nhiều ảnh nên lưu trữ lại dù chỉ dùng 1,2 tấm tốt nhất; ảnh này sẽ được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau về sau.
  • Ảnh trước khi đăng tải nên được xử lý về màu sắc, độ sáng, sắc nét để phát huy hết công năng bổ trợ cho bài viết.
  • Ảnh nên rõ, đẹp, bố cục cân đối, dung lượng lớn để có các xử lý, in ấn khi cần.
cách viết thông cáo báo chí chuẩn chỉnh

Bài viết thuộc chuỗi bài đăng “Góc chuyên gia” trên trang AIM Academy.

Tác giả bài viết: My Dương – Marketer, Trainer & Writer

08/07/2020 1 comment
0 FacebookTwitterPinterestEmail
phát hành Thông cáo Báo chí
Viết chuyên môn

Các hình thức phát hành Thông cáo Báo chí

by Dương My 08/07/2020

1. Ý nghĩa của việc phát hành một Thông cáo Báo chí

  • Chính thức đưa ra những thông tin/ quan điểm/ ý kiến của doanh nghiệp về một sự kiện, sự việc, về một vấn đề cụ thể cùng các thông tin liên quan có thể kiểm chứng được.
  • Trong trường hợp khi dư luận có những thông tin không xác đáng đối với doanh nghiệp thì phát hành Thông cáo là cách để phản hồi, bác bỏ những điều sai lệch, cung cấp những thông tin đúng, đưa ra những thông tin đa chiều về một vấn đề.
  • Cơ hội để doanh nghiệp xây dựng hình ảnh, uy tín; đưa thương hiệu đến gần hơn với công chúng và người tiêu dùng.

2. Tổ chức họp báo:

2.1. Tổng quan về họp báo:

Họp báo là hoạt động thực hiện công khai của một cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, có sự tham dự của phóng viên, báo đài. Thông qua họp báo, đơn vị tổ chức sẽ cung cấp các thông tin, gởi thông điệp, tuyên bố những nội dung có liên quan đến quyền hạn, lợi ích của tổ chức, cá nhân đối với một sự việc cụ thể nào đó.

Đây được xem là một quyền của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có quy định rõ tại Luật Báo chí năm 2016.

2.2 Thủ tục tổ chức họp báo:

Thông thường, khi muốn tổ chức họp báo, cá nhân/ doanh nghiệp chỉ cần gởi “Thông báo họp báo” đến Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trực thuộc khu vực muốn tổ chức họp báo. Bộ phận tiếp nhận sẽ cấp biên nhận ghi rõ giải quyết trong 24h.

Theo quy định, Sở TT&TT có trách nhiệm phản hồi cá nhân, tổ chức nộp đơn trong vòng 24h, nếu sau thời gian đó không nhận được bất kì công văn phản hồi nào thì chủ động tổ chức theo kế hoạch đề ra.

Tổ chức họp báo để phát hành Thông cáo Báo chí
Tổ chức họp có thể xem là một hình thức phát hành Thông cáo Báo chí 
bài bản và chuyên nghiệp nhất.

Một số lưu ý khi tiến hành tổ chức họp báo:

– Nội dung họp báo phải đúng với văn bản phản hồi của Sở TT&TT; trong trường hợp không có văn bản phản hồi thì phải đúng với thông báo do cá nhân, tổ chức nộp trước đó.

– Gởi thư mời cho phóng viên ghi rõ: thời gian, địa điểm, lý do và thành phần tham dự.

– Lựa chọn địa điểm nên chọn ở những khu vực trung tâm tiện di chuyển, vì đa phần các toà soạn báo đều đặt ở khu trung tâm thành phố.

– Địa điểm tổ chức họp báo:

  • Nếu doanh nghiệp không có phòng Hội nghị đủ lớn và chuyên nghiệp thì nên thuê phòng Hội nghị của các khách sạn từ 3* trở lên; trang trọng, ấm cúng.
  • Ánh sáng đầy đủ nhằm phục vụ cho mục đích chụp ảnh.
  • Âm thanh, micro hoạt động tốt phục vụ cho việc tương tác, đặt câu hỏi của phóng viên.
  • Chuẩn bị sẵn giấy, bút, Thông cáo Báo chí in sẵn đặt tại từng chỗ ngồi của phóng viên.
  • Phông sân khấu (backdrop) cần được chuẩn bị chỉn chu, thiết kế đẹp mang logo, thương hiệu của Doanh nghiệp; vị trí đặt sau lưng vị trí Chủ toạ (Ban Giám đốc doanh nghiệp): giúp lên hình chuyên nghiệp.
  • Vị trí ngồi của phóng viên đối diện Chủ toạ, có bàn ghế ngay ngắn, hỗ trợ cho việc tác nghiệp, chụp hình, phỏng vấn.
  • Phóng viên là những người rất bận rộn, thường di chuyển giữa nhiều nơi trong ngày để thu thập, xử lý tin bài. Vậy nên cần đảm bảo bắt đầu sư kiện đúng giờ và tổ chức nhanh, gọn, nên gói gọn trong 1h. Nếu là buổi chiều thì nên kết thúc trước 16h kịp cho Phóng viên xử lý nội dung để bài lên được vào ngày hôm sau.
  • Luôn có khoảng 15 phút cho phần Q&A để Phóng viên đặt câu hỏi cho Chủ toạ.

Thông báo họp báo:

Ví dụ về việc chuẩn bị giấy phép họp báo cho sự kiện: 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 9 năm 2021 – Trung tâm đào tạo thực tế các môn học về ngành Marketing & Communication AiM Academy (AIM Academy) khánh thành chi nhánh 2 tại địa chỉ số 128 đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3, Tp.HCM.

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

——–oOo——-

TP. HCM, ngày 25 tháng 09 năm 2021

THÔNG BÁO HỌP BÁO

Kính gửi:            – Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hồ Chí Minh

– Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh

1. Người thông báo họp báo:

Trung tâm Đào tạo Truyền thông & Marketing AiM – AiM Academy.

Địa chỉ liên lạc: 146 Bis Nguyễn Văn Thủ, quận 1, TP. HCM.

2. Nội dung họp báo:

Thông tin về việc Trung tâm đào tạo AiM Academy chính thức khai trương văn phòng chi nhánh 2 tại 128 đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3, Tp.HCM.

4. Thời gian, địa điểm họp báo:

Thời gian: 09h ngày 30 tháng 09 năm 2021.

Văn phòng chi nhánh 2 – Trung tâm Đào tạo Truyền thông & Marketing AiM – AiM Academy

Địa chỉ: 128 đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3, Tp.HCM.

5. Tên, chức danh người chủ trì họp báo:

Bà Phạm Thị Diệu Anh – Giám đốc Điều hành Trung tâm Đào tạo Truyền thông & Marketing AiM – AiM Academy.

Chúng tôi cam kết nội dung thông báo trên và tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Người thông báo

TM. AiM Academy

3. Phát hành Thông cáo Báo chí qua mail:

Theo chuẩn thông thường, tổ chức, cá nhân sẽ cung cấp Thông cáo Báo chí cho phóng viên ngay tại buổi họp báo. Tuy nhiên, có một số lý do sau giúp cho việc gởi qua mail ngày càng phổ biến:

  • Không phải sự kiện nào cũng được tổ chức họp báo; doanh nghiệp cũng có thể gặp gỡ phóng viên trực tiếp.
  • Hầu như tất cả các đầu báo ở nước ta đều có phiên bản online, hỗ trợ lên tin bài 2 tiếng/1 lần; chính vì thế tốc độ xử lý tin bài được đẩy lên nhanh gấp nhiều lần, nếu không muốn nói là tức thời. Chính vì thế mà khi gởi Thông cáo Báo chí bằng email sẽ thuận tiện cho phóng viên xử lý tin bài nhanh chóng hơn.
  • Và đặc biệt là chi phí “0 đồng”, doanh nghiệp không phải tốn chi phí tổ chức một sự kiện họp báo.

Một số lưu ý khi gởi qua mail cho phóng viên:

– Tiêu đề mail cần rõ ràng, không vượt quá 11 từ, đề cập trực tiếp đến nội dung. 

Ví dụ: <tên doanh nghiệp> -TCBC- <Tên sự kiện>

-Nội dung Thông cáo Báo chí nên được trình bày bằng file word hoặc PDF; cấu trúc đẹp mắt, chuẩn mực. Không copy – paste nội dung trực tiếp lên thân email.

Tham khảo hướng dẫn soạn thảo một Thông cáo Báo chí tại đây

-Các tệp tin cần đính kèm bao gồm:

  • Thông cáo Báo chí, lưu dạng PDF, bản tiếng Anh, tiếng Việt; đặt tên tương ứng.
  • Lưu file word bản tiếng Anh, tiếng Việt; có cùng nội dung với Thông cáo Báo chí nhưng không có logo, thương hiệu công ty, đính kèm mail để phóng viên tiện thao tác, xử lý
  • Kèm 1, 2 hình từ sự kiện hoặc minh hoạ cho sự việc được nói đến.
  • Đặt chú thích cho hình ảnh đính kèm

– Trước khi gởi: gọi điện chào hỏi, nói sơ về sự kiện và mong muốn gởi Thông cáo Báo chí đến phóng viên, nhờ hỗ trợ đi tin.

– Sau khi gởi: nhắn tin hoặc gọi điện thông báo.

4. Đăng trên website tổ chức, doanh nghiệp:

Ngày nay, việc mỗi doanh nghiệp sở hữu một website “chính chủ” gần như là hiển nhiên bởi sự phổ biến và dễ dàng tiếp cận của internet. Website cũng là một kênh thông tin truyền thông bền vững đáng đầu tư, để doanh nghiệp chủ động cập nhật thông tin đến khách hàng, đối tác, những ứng viên tiềm năng… của mình.

Xét trên khía cạnh thông tin liên lạc, website cũng được xem như một tờ báo của doanh nghiệp, chính vì thế khi có bất cứ Thông cáo Báo chí nào được xuất bản, doanh nghiệp đăng lên web công ty là hoàn toàn hợp lý. Việc đăng tải lên web có nhiều ưu điểm, rõ nét nhất chính là dễ truy cập, ai cũng có thể vào xem, bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu không bị giới hạn.

5. Tổng hợp nhiều hình thức:

Trong bối cảnh người dung luôn bị bủa vậy bởi thông tin thì việc kết hợp nhiều hình thức phát hành Thông cáo Báo chí để tối ưu hoá lượt tiếp cận số đông đại chúng là điều dễ hiểu và được đánh giá là tối ưu.

phát hành Thông cáo Báo chí bằng cách tổng hợp nhiều hình thức giúp tận dụng mọi cơ hội, mọi kênh thông tin để gần hơn với công chúng
Doanh nghiệp phát hành Thông cáo Báo chí bằng cách tổng hợp nhiều hình thức giúp tận dụng
mọi cơ hội, mọi kênh thông tin để gần hơn với công chúng.

Điều này sẽ được minh hoạ rõ nét qua ví dụ sau:

Trung tâm đào tạo thực tế các môn học về ngành Marketing & Communication AiM Academy (AIM Academy) phối hợp cùng Học viện chuyên đào tạo về Truyền thông đa phương tiện bang Arizona, Mỹ, sẽ ra mắt một hệ thống e-learning hỗ trợ học tập tối ưu, tiên tiến bậc nhất hiện nay. Chứng chỉ cấp sau khoá học trên hệ thống có giá trị sử dụng toàn cầu.

AiM Academy có thể phát hành Thông cáo Báo bằng một số cách sau:

  • Họp báo kết hợp Lễ Ký thoả thuận hợp tác, sự kiện tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh
  • Gởi Thông cáo Báo chí cho các báo đài có trụ sở tại Hà Nội, Đà Nẵng… giúp thông tin đến được các vùng địa lý nước ta, vì học trên hệ thống e-learning nên học viên ở đâu cũng có thể học được.
  • Đăng tải lên website AiM Academy và Học viện đối tác.

Tác giả bài viết:

My Dương – Marketer, Trainer & Writer

08/07/2020 0 comment
0 FacebookTwitterPinterestEmail
cách viết thông cáo báo chí chuẩn chỉnh chuyên nghiệp
Viết chuyên môn

Thông cáo Báo chí chuẩn chỉnh – Phần 2

by Dương My 08/07/2020

Ở phần 1, chúng ta đã cùng tìm hiểu những kiến thức căn bản nhất về Thông cáo Báo chí cũng như trang bị cho mình công thức 5W +1H để có thể viết được một bản chuẩn chỉnh.

Phần 2 sẽ tập trung tìm hiểu về quy trình soạn thảo từ lúc bắt đầu đến khi thành hình và có thể phát hành Thông cáo:

4. Quy trình soạn thảo một Thông cáo Báo chí

4.1 Xác định chủ đề và thông điệp

Một trong những nguyên tắc mà người làm công việc viết nội dung luôn phải nhớ chính là “single minded”. Nghĩa là nên truyền tải một thông điệp duy nhất trong mỗi ấn bản nội dung ra lò. Thông cáo Báo chí cũng không nằm ngoài nguyên tắc đó.

Một bài tốt cần có một nội dung chủ điểm hay nói cách khác là một chủ đề nhất định. Tất cả những yếu tố 5W + 1H đều tập trung làm rõ chủ điểm đó, từ ai? cái gì? như thế nào? tại sao?. Tất cả đều tập trung hướng về chủ điểm, khi xác định được rõ thì người viết sẽ không rơi vào vô định.

Quay trở lại phân tích trên ví dụ ở phần 1:

Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2021 – Trung tâm đào tạo thực tế các môn học về ngành Marketing & Communication AiM Academy (AIM Academy) khánh thành chi nhánh 2 tại địa chỉ số 80 đường Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nhằm mang đến môi trường “Học thực tiễn, làm chuyên nghiệp” cho các học viên sống tại Hà Nội và các tỉnh phía bắc.

Ban Giáo vụ AiM Academy đã chiêu mộ đội ngũ giảng viên dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực Truyền thông Marketing. AiM cũng cung cấp hệ thống khoá học đa dạng đã được nghiên cứu và thử nghiệm thời gian dài. Đây sẽ là điểm đến học tập chất lượng, xứng đáng là sự lựa chọn hàng đầu cho những ai tìm kiếm kiến thức hữu ích, mở ra cơ hội công việc mới.

Chúng ta thấy AiM Academy có thể “nói” khá nhiều điều với công chúng, ví dụ như:

  • Sắp khai trương chi nhánh mới
  • Mở rộng thị trường hoạt động
  • Có đội ngũ giảng viên dày dặn kinh nghiệm, có hồ sơ năng lực ấn tượng
  • Sẽ mang đến một môi trường học tập tuyệt vời
  • Tiên phong trong lĩnh vực đào tạo thực tiễn chuyên nghiệp
  • Cung cấp nhân sự chất lượng cho ngành Truyền thông, Marketing cả ở client side lẫn agency side.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ của một Thông cáo, AiM Academy không thể chia sẻ tất cả những điều trên. Họ phải chọn điểm cốt yếu nhất làm chủ đề và thông điệp cho Thông cáo này, tất cả yếu tố 5W + 1H sẽ xoay quanh làm rõ chủ điểm đó. Trong đoạn ví dụ ta thấy AiM Academy đã quyết định tập trung nói về “Chúng tôi sắp khai trương chi nhánh mới” để soạn thảo và phát hành Thông cáo Báo chí.

4.2 Dự đoán các tình huống và hướng xử lý:

Thông cáo khi được phát hành, Doanh nghiệp luôn kì vọng sẽ thu hút được nhiều nhất sự quan tâm của công chúng. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ nhận rất nhiều ý kiến, quan điểm đa chiều với cùng một nội dung đề cập đến. “Chín người mười ý” thể hiện rất rõ trong trường hợp này.

Tất cả các luồng ý kiến có thể tích cực ủng hộ, trung hoà hay thậm chí tiêu cực, phản đối. Và người làm truyền thông khi hoàn thành bài viết tính đến những trường hợp này và có hướng xử lý hiệu quả nhất cho Doanh nghiệp.

Cách cơ bản nhất là người viết cần đảm bảo tính chính xác và có thật của sự kiện <link về mục 3.3 bài 1> , mọi thông tin trong Thông cáo Báo chí đều có thể chuẩn bị giấy tờ, tài liệu chứng minh đi kèm.

Việc dự đoán các tình huống và hướng giải quyết cũng góp phần giúp cho Doanh nghiệp thận trọng hơn trong những nội dung đưa vào Thông cáo. Đồng thời giúp Doanh nghiệp lưu ý rà soát, kiểm chứng lại tất cả thông tin đã đưa ra.

My Dương

Cẩn trọng trong khâu soạn thảo Thông cáo Báo chí là điều tối quan trọng
Người soạn thảo Thông cáo Báo chí càng chi tiết ở những bước đầu bao nhiêu
thì càng thong thả ở những bước sau bấy nhiêu

4.3 Thực hiện soạn Thông cáo Báo chí:

a. Tóm tắt nội dung sự việc:

Đầu tiên người viết cần xác định rõ các yếu tố 5W + 1H, đưa vào phần tóm tắt cô đọng dưới 300 từ. Nếu có yếu tố nào còn chưa rõ ràng thì cần tìm hiểu làm rõ trước khi chính thức bắt tay vào soạn thảo bản hoàn chỉnh.

Sau đó kiểm tra lại các tài liệu, thông tin liên quan đến các phần nội dung trong bản tóm tắt, đảm bảo các chi tiết nhỏ nhất có giấy tờ hỗ trợ chứng minh, có thể yêu cầu các bộ phận liên quan kiểm chứng.

b. Bổ sung những thông tin liên quan:

Sau khi có được những thông tin chính ở phần trên giống như xương sống của bài, người viết cần tiếp tục đắp thêm da thêm thịt để bài viết được tròn đầy, rõ nghĩa.

Trong ví dụ bên trên, có thể thêm các ý như:

  • Sự kiện khai trương cơ sở mới của AIM Academy có sự tham gia của những thành phần nào?
  • Nhằm chào mừng sự kiện này, AiM có chương trình ưu đãi giảm giá cho 100 học viên đầu tiên đăng kí…

c. Nêu thông điệp đánh giá của Doanh nghiệp:

Thông thường thông điệp này sẽ từ những người đứng đầu tổ chức, là đại diện phát ngôn của Doanh nghiệp đó chứ không phải thể hiện ý riêng của người trực tiếp viết Thông cáo Báo chí. Nội dung thông điệp cần rõ ràng, ngắn gọn và xúc tích, thể hiện rõ ý chí của người đứng đầu.

Phát triển tiếp ví dụ trên:

Bà Phạm Thị Diệu Anh – Giám đốc Điều hành AiM Academy chia sẻ: “Việc khai trương cơ sở 2 tại Hà Nội đánh dấu một bước tiến dài trong các cột mốc phát triển của trung tâm đào tạo AIM Academy. Chúng tôi hân hoan vì giờ đây đã có cơ hội tạo ra môi trường học tập thực tiễn cho các bạn trẻ khu vực miền Bắc nước ta. Từ đây, chúng tôi hy vọng có thể mở ra nhiều cơ hội cho những ai muốn tìm đến với Marketing một cách bài bản và có tính ứng dụng cao. Song song đó, chúng tôi cũng trở thành một địa chỉ đáng tin cậy góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cho lĩnh vực Truyền thông Marketing”.

Như vậy, người đứng đầu tổ chức này là bà Phạm Thị Diệu Anh đã đại diện nói ra thông điệp, mong muốn của trung tâm thông qua bản thông tin gởi đến báo chí này.

d. Bổ sung phần thủ tục (tiêu đề, số hiệu, ngày phát hành, thông tin liên hệ…)

Sau khi hoàn chỉnh 3 bước trên là ta gần như hoàn thành 80% bài viết, giờ chỉ cần bổ sung một số ý sau:

  • Hoàn chỉnh phần mở đầu: Header có logo, nhận diện thương hiệu Doanh nghiệp; địa điểm, thời gian xảy ra sự kiện…
  • Hoàn chỉnh phần kết thúc: luôn có đoạn “About Us – Về chúng tôi” giới thiệu những thông tin cơ bản về Doanh nghiệp đã được soạn thảo sẵn và được duyệt để chính thức sử dụng; thông tin người tiếp nhận liên hệ vấn đề về truyền thông…

4.4 Chuẩn bị và sẵn sàng trả lời báo giới:

Về nguyên tắc, Thông cáo Báo chí nên được phát hành thông qua một buổi Họp báo với sự tham gia đầy đủ của Ban Giám đốc Doanh nghiệp và phóng viên báo đài.

Hoạt động của một buổi Họp báo thường bao gồm:

  • Phía Doanh nghiệp trình bày, chia sẻ thông tin, đây chính là các nội dung đã được đề cập trong bài Thông cáo.
  • Phía báo giới: có khoảng 15 phút cho phần Q&A – Hỏi và Trả lời những nội dung liên quan hay khai thác sâu hơn các vấn đề mà Doanh nghiệp vừa trình bày.

Như vậy về phía Doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ các nội dung, tài liệu, chứng cứ… để tự tin bước vào buổi Họp báo. Để buổi Họp báo diễn ra suôn sẻ và chuyên nghiệp, bộ phận Truyền thông, hay cụ thể là người làm công việc Quan hệ Công chúng cần có sự dự liệu những câu hỏi có thể xảy ra và chuẩn bị sườn ý các câu trả lời. Khi chuẩn bị càng kĩ lưỡng sẽ càng giúp cho Cấp Lãnh đạo tránh được những tình huống khó xử, ấp úng do không thể trả lời câu hỏi.

chuẩn bị đầy đủ những thông tin cần thiết trước khi phát hành Thông cáo Báo chí
Người làm công tác truyền thông cần có sự chuẩn tiên liệu và chuẩn bị đầy đủ những thông tin cần thiết
trước khi phát hành Thông cáo Báo chí

4.5 Kiểm tra lần cuối và sẵn sàng phát hành:

Đứng ở góc độ Doanh nghiệp, mọi thông tin muốn chính thức công bố đều cần có sự phê duyệt từ các bộ phận chức năng như Pháp Chế hoặc các Quản lý Cấp cao. Việc có nhiều bộ phận cùng tham gia vào xét duyệt nội dung như vậy mang nhiều lợi điểm như:

  • Thông tin được chia sẻ đầy đủ trong nội bộ doanh nghiệp
  • Các bộ phận kiểm tra chéo và đảm bảo tính xác thực thông tin cho nhau
  • Nội dung câu chữ đề cập trong Thông cáo vì thế cũng được nhìn nhận đa chiều và thận trọng hơn.

Hãy nhớ rằng một khi Thông cáo Báo chí phát hành ra công chúng giống như một mũi tên rời khỏi chiếc cung vậy, không thể hối hận, không thể thu hồi. Để đảm bảo mọi thứ hoàn hảo nhất, cần ghi nhớ những điều sau đây:

  • Việc đăng bài cải chính thông tin đã đăng trong Thông cáo Báo chí là đại kỵ; điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu của Doanh nghiệp.
  • Nhờ một người khác đọc lại, từ chuyên môn gọi là proof reading: đảm bảo không có lỗi sai về dấu chấm câu, lỗi chính tả; lưu ý các số hiệu, ngày giờ, các con số được đề cập.
  • Đặt nội dung này trên một quy cách chuẩn chỉnh, mang đúng thương hiệu công ty, sang trọng, đẹp mắt.
  • Hãy đặt bản thân vào tâm thế của người nhận, người đọc và trả lời các câu hỏi: mình đọc có hiểu hết nội dung không? mình nhận Thông cáo này có thấy chỉn chu, đẹp mắt và hài lòng không?

Sau tất cả sự tận tâm và bài bản suốt quá trình soạn thảo, giờ là lúc bạn tự tin phát hành bản Thông cáo và gởi những thông tin tốt đẹp nhất của Doanh nghiệp đến cho công chúng.

Bài viết thuộc chuỗi bài đăng “Góc chuyên gia” trên trang AIM Academy.

Tác giả: My Dương – Marketer, Trainer & Writer

08/07/2020 0 comment
0 FacebookTwitterPinterestEmail

About Me

About Me

My Dương – Marketer, Trainer and Writer

Với niềm yêu thích bộc lộ suy nghĩ, chia sẻ kiến thức qua từng câu chữ được viết xuống, mình lập blog này để nhắc nhở bản thân chăm chỉ viết, truyền tải thông điệp tích cực và truyền cảm hứng cho những người luôn người nỗ lực để trở nên ưu tú hơn mỗi ngày.

Recent Posts

  • The Value of Little Things: A Team Building Reflection

    20/08/2024
  • FUNdamentals – Những điều bé nhỏ quý giá

    19/08/2024
  • Con đường sự nghiệp chân ái 

    09/03/2024
  • Phát triển Sự nghiệp song song

    03/03/2024
  • Con số năm cá nhân từ 6-9, có gì hot?

    25/02/2024

Về tác giả

banner
My Dương – Marketer, Trainer and Writer

Một cô gái luôn nỗ lực để bản thân trở nên ưu tú hơn mỗi ngày. Mong muốn sống cuộc đời tự tại như một cánh chim trời.

Xem nhiều

  • 1

    6 chìa khoá vàng đánh giá thông tin và chất lượng nguồn thông tin

    08/07/2020
  • 2

    5 bước soạn Thông cáo Báo chí

    08/07/2020
  • 3

    Ước mơ quan trọng thế nào với người trẻ?

    08/07/2020

Đăng ký

  • Facebook
  • Instagram
  • Pinterest
  • Email

COPYRIGHT © MY DUONG

The Gentlewoman Writer
  • Trang chủ
  • Về tôi – The Gentlewoman Writer
    • BUY ME A TEA
    • Tư vấn 1:1
  • Viết
    • Viết chuyên môn
    • Viết kết nối
    • Viết Kinh doanh
    • Viết phát triển
    • Viết sách
  • Khoá học
    • Đôi nét về Giảng viên
  • Trang Tài nguyên
  • Youtube
  • Podcast