The Gentlewoman Writer
  • Trang chủ
  • Về tôi – The Gentlewoman Writer
    • BUY ME A TEA
    • Tư vấn 1:1
  • Viết
    • Viết chuyên môn
    • Viết kết nối
    • Viết Kinh doanh
    • Viết phát triển
    • Viết sách
  • Khoá học
    • Đôi nét về Giảng viên
  • Trang Tài nguyên
  • Youtube
  • Podcast
0
Tag:

content marketing

ý tưởng kinh doanh thông minh
Đầu tư & Tài chínhViết Kinh doanh

Các ý tưởng kinh doanh thông minh

by Dương My 18/07/2021

Ý tưởng kinh doanh thông minh là khoá học đầu tiên mình tham gia trong Chuỗi chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0. Mình sẽ chia sẻ cùng các bạn những điều hay và thực tiễn rút ra được nhé!

tư duy kinh doanh, ý tưởng kinh doanh thông minh
Khi tôi trình bày dự án kinh doanh của mình với dự án WomenWill, tôi cũng bám sát tuyệt đối những mục này

Tư duy kinh doanh của người mới khởi nghiệp

Đầu tiên, khi bước chân vào gầy dựng một sự nghiệp kinh doanh, điều quan trọng trước nhất cần hình thành đúng đắn ngay từ đầu chính là tư duy kinh doanh, tư duy ấy được hình thành dựa trên ba tiêu chí sau:

1.1 Sự học hỏi không ngừng:

Sự sáng tạo, sự học hỏi rất quan trọng trong bất cứ phần nào của công việc, điều này sẽ giúp

Học về thị trường: chú ý quan sát những biến đổi liên tục của thị trường, ví dụ như:

Năm 2000, 80% mua hàng theo hình thức truyền thống, 20% mua hàng online. 2019 ngược lại. Có nhiều mix giữa 2 hình thức, xem offline và mua online/ hoặc ngược lại. Nên người bán cần học hỏi từ thị trường để tìm hình thức bán hàng tốt nhất cho business của mình.

Các ứng dụng bạn có thể tham khảo dùng trong quá trình thu thập thông tin như: Customer Relationship Management (CRM) hoặc Google sheet để ghi lại lịch sử của khách hàng mua hàng

1.2 Tin vào chính mình:

a. Hiểu rõ những khả năng của bạn: Sự tự tin giúp bạn làm việc nhiều hơn, làm việc năng suất hơn.

b. Chinh phục người đồng hành: Những ý tưởng của mình, có mình hiểu trước; khi mình tin tưởng bản thân

c. Bán hàng bằng cả trái tim: bán hàng có tâm thể hiện ra cách bán rất rõ ràng, mang đến nhiều giá trị cho người mua. Ví dụ bạn bán hàng ăn, thì bạn phải dám cho người nhà ăn thì như vậy mới tốt.

1.3 Hướng tới cộng đồng:

a. Đây là đạo đức kinh doanh: kinh doanh cần có đạo đức, không làm những điều gây hại hoặc trái với lương tâm. Ví dụ tôm bơm hoá chất, mực tẩy bằng oxi già… cho dù giấu kín thế nào cũng bị cộng đồng phát hiện ra. Hoặc có dịp

b. Là gốc rễ của phát triển bền vững:

c. Là thành công của thương hiệu

Cách hình thành ý tưởng kinh doanh:

Những câu hỏi thường gặp:

Kinh doanh gì? Cần nhiêu vốn? Lấy vốn ở đâu? Địa điểm ở đâu?…

a. Tham khảo từ cửa hàng kinh doanh thành công: chú ý các trào lưu đang rộ lên, bạn xem thứ nơi mình sống đã có chưa, sau đó cân nhắc những điểm ưu – khuyết – lợi thế của bản thân có phù hợp không, bạn ứng dụng trên quy mô nhỏ trước.

ví dụ mùa hè, bán chè dưỡng nhan > xem thói quen ăn uống của những người nơi mình sống; lấy những mô hình đã bán thành công để mở thử trên quy mô nhỏ, bán trên page của mình

b. Bán sản phẩm nhiều người cần: để biết thì cần khảo sát, xem xung quanh đã có dịch vụ, hàng hoá đó chưa.

ví dụ tiệm gội đầu thảo dược, tiệm giặt ủi: mua 2 máy giặt, quan sát hành vi của người dân khu vực đó

Khảo sát trực tiếp

Đặt mình vào vị trí người mua

c. Kinh doanh cộng sinh: chọn các sản phẩm bổ trợ cho nhau

ví dụ quán cafe trứng Giảng rất đông, mình có thể mở quán bánh mì bên cạnh

Gần các phòng công chứng thì mở tiệm photocopy

Một số ý tưởng ít vốn nhiều lời: hướng đến nhóm Phụ nữ khởi nghiệp truyền thống, không rành về công nghệ:

  1. Kinh doanh đồ handmade
  2. Bán cafe cóc/ cafe dạo
  3. Bán bong bóng
  4. Bán bắp rang bơ/ xúc xích
  5. Bánh mì/ bánh hotdog nhà làm
  6. Bán hàng tạp hoá

Cách chọn ý tưởng kinh doanh buôn bán:

Bạn giỏi nhất trong lĩnh vực gì và bạn có thể làm được gì?

Người dân trong khu phố của họ cần gì?

Ở gần đó có ai bán gì chưa?

Bạn có thể làm gì tốt hơn bạn cùng ngành?

Chú trọng đầu tư vào chất lương sản phẩm

Đánh giá năng lượng bản thân

SWOT: Phân tích điểm mạnh – yếu của bản thân, thuận lợi – thách thức từ thị trường

Việc đánh giá nên thực hiện định kì mỗi năm hoặc nửa năm, mọi điều trong dòng phát triển thay đổi liên tục nên chúng ta cũng nên thường review. Bạn hãy dùng một tờ giấy, viết xuống tất cả nhưng điểm trong 4 ô này.

  1. Điểm mạnh là những điểm bạn làm tốt nhất, thoải mái nhất, vui nhất khi làm điều đó. Đó là công việc mà bạn làm quên ngày tháng, có thể thức khuya dậy sớm để làm công việc đó. Vì khi bạn làm việc mình thích thì sẽ tiết ra hoocmon Hạnh phúc nên bạn có năng lượng để làm.
  2. Điểm yếu: còn tồn đọng, không thể thoải mái khi làm, còn nhiều lo âu. Quan trọng là phải trực thực, công tâm, tự công nhận chính mình, cả điểm yếu lẫn điểm mạnh.

Ví dụ: Một người phân tích SWOT của một người muốn bán hàng online

phân tích SWOT, kinh doanh hiệu quả
Phân tích SWOT cho bạn có cái nhìn rõ nét và đối diện nghiêm túc với bản thân trước khi bắt tay kinh doanh.

Bước 1: Lấy điểm mạnh + cơ hội:

thay vì ngồi lăn tăn là mình có thể bán được không?! thì hãy bắt tay vào làm rồi cải thiện từng bước, nhưng không phải làm đại, bạn cần tìm hiểu và chuẩn bị chi tiết, một khi chính thức làm thì hãy tự tin vào bản thân.

Bước 2: phải học, tìm người giỏi trong nghề, đến những hội chợ có mặt hàng mình muốn bán để học những điểm người ta đã làm được, để mình học.

Bài học rút ra:

“Hãy tin tưởng bản thân mạnh mẽ tới mức cả thế giới không thể không tin vào BẠN” – Marianne Williamson.

Trích từ sách Nhà giả kim: “Khi bạn thật sự khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực lại để gởi tín hiệu về điều đó cho bạn.”

kinh doanh hiệu quả, ý tưởng kinh doanh
Chúc bạn vững vàng và thành công!

Be Gentle,

Love.

18/07/2021 0 comment
0 FacebookTwitterPinterestEmail
viết lách kiếm tiền online; content marketing
Popular PostViết kết nối

Vì sao tôi chọn đồng hành cùng viết lách?

by Dương My 08/07/2020

Để tôi giới thiệu qua một chút về mình nhé:

  • 📍Master of Marketing & Innovation, Venice, Ý
  • 📍Chuyên gia BGS Global, Trainer AiM Academy
  • 📍Sáng lập: https://duongmy.com/
  • Đã có 10 năm làm việc trong lĩnh vực Marketing với nhiều mảng lớn khác nhau từ PR internal & external, corporate communications & event đến branding & digital, product & channel marketing.. với những kinh nghiệm thực chiến tại các Tập đoàn Tài chính Bảo hiểm đa quốc gia. 

Điểm qua vài điểm như vậy để bạn thấy tôi có nhiều điểm tiếp xúc với công việc viết lách cũng như có chút thành tựu với chuyên môn của mình. Tuy nhiên, điều tôi thấy lại là tôi quá tập trung viết cho người khác, chứ chưa bao giờ thật sự viết cho bản thân mình; tôi viết vì được trả tiền lương theo tháng chứ chưa từng tự tạo dòng thu nhập thụ động cho mình.

Thuộc thế hệ Millenial tiêu biểu, tôi cũng như rất rất nhiều bạn cùng trang lứa khác bị đóng khung suy nghĩ từ nhỏ rằng: có một công việc được xã hội công nhận chính là thành công và sẽ làm giàu có hoặc sống xông xênh được từ đó. Bằng chứng là, từ ngày còn học Trung học Cơ sở hay Trung học Phổ thông, phụ huynh nào cũng hướng con mình tập trung học các môn tự nhiên (Toán, Lý, Hoá, Sinh) để sau này rộng đường thi vào khối A, B. Bởi theo các cụ, học những khối đó dễ đậu được Đại học, và sau đó tốt nghiệp dễ “xin được việc làm”.

Tuy nhiên, thực tế có phải như thế không?

Viết lách đồng hành cùng tôi cả một quãng đường dài

“Quay ngược thời gian, trở về với tuổi thơ”, từ lúc còn nhỏ xíu, tôi đã luôn thích ngồi ở một góc nhà sau giờ học, để đọc sách và nghĩ ngợi, cũng nhạy bén thuộc làu thơ ca. Những năm cấp Hai trong đội tuyển học sinh giỏi Lý nên dẫn đến một điều hiển nhiên là cấp Ba sẽ vào ban Tự nhiên.

Tuy học chuyên ban Tự nhiên (Toán, Lý, Hoá, Sinh) nhưng tôi lại chọn thi học sinh giỏi (HSG) Văn ^^, tôi cũng thường viết những đoạn văn ngắn đến các báo Dưới Mái Trường, Hoa Học Trò… để gởi đăng và thi thoảng được nhuận bút. Ngày đó ai cũng thắc mắc sao tôi học một đường mà thi HSG một nẻo, chính tôi lúc ấy cũng chẳng lý giải được. Mãi sau này nghiệm lại tôi mới rõ nguyên nhân.

Rồi khi ra trường, cơ duyên đến với công việc PR – Quan hệ công chúng, dùng nhiều đến kỹ năng viết lách, lại một lần nữa mình có nhiều cơ hiện cọ xác và khai thác thế mạnh này.

Mỗi ngày đều viết rất nhiều, từ thông cáo báo chí, bài dài, bài ngắn đến tin tức, các ấn bản truyền thông… nên cơ hội tôi nhận được các jobs freelancer về viết cũng đến kha khá. Thù lao tôi được trả trên mỗi bài là tiền triệu trở lên, có thể vì ngành BHNT vốn kén người viết, thường chỉ thuê các phóng viên có kinh nghiệm trong mảng Đầu Tư – Tài Chính, vì thế khi thuê một người thường (tức không phải phóng viên viết) thì chi phí trên mỗi bài viết sẽ tiết kiệm được nhiều. Tuy nhiên thực lòng tôi không mấy mặn mà với các jobs này nên chỉ nhận jobs trong 5 năm đầu đi làm. Những ai làm freelancers hẳn biết những mệt mỏi, chua chát của việc viết cho người để lấy tiền nó làm mình rã rời cỡ nào. Nên sau đó gần như tôi không kiếm tiền từ khả năng và kinh nghiệm viết của mình nữa, những gì tôi viết ra được cất giấu rất kĩ và chỉ để thoả mãn cảm xúc cá nhân của riêng mình.

viết lách kiếm tiền, kinh doanh online, content marketing
Tôi thật sự yêu cảm giác mỗi khi mình ngồi viết điều gì, viết giúp tôi kết nối nhiều hơn với chính mình
cũng như (biết đâu) tạo ra được điều gì đó ý nghĩa cho người đọc của mình

Mới năm 2020, có một start-up mới nổi về truyền thông mời tôi cộng tác ở chuyên mục “Góc nhìn chuyên gia“, thù lao trên bài viết thì ít xíu à nhưng đó không phải là vấn đề. Vấn đề là tôi không đủ tự tin, lo ngại bản thân chưa xứng để viết cho những chuyên mục đó. Thế là tôi cũng lại từ chối cơ hội ấy. Bây giờ thì trang truyền thông đó đã rất nổi, hẳn rất nhiều bạn trẻ đều biết.

Cũng trong năm ngoái, cơ duyên sao tôi biết đến các group chuyên về viết lách, như Viết 100 và Viết lách kiếm tiền…, gần như mỗi ngày tôi đều đọc các bài viết của các thành viên. Có bài viết với chủ đề thiệt mới, nhưng hầu hết là viết những vấn đề tôi đã biết rồi, đã làm qua rồi. Tuy nhiên các bạn viết tỉ mỉ, chăm chút, giải quyết từng vấn đề từ nhỏ nhất, để bất kì ai cũng có thể hiểu và tìm thấy giá trị trong bài viết của các bạn.

Nhiều lần đọc được các bài viết của các bạn, tôi đều cảm thán: “Hay vậy trời, việc này mà cũng có thể khai thác được và viết thành một bài viết dài và tốt như vậy hở?!”

Tôi học được nhiều từ sự nhạy bén trong cách khai thác chủ đề, tôi học được sự chăm chỉ và tỉ mỉ, tôi cũng học được sự tận tuỵ trong cách sẻ chia và cho đi của các bạn. Cũng từ đây tôi hiểu là bất kể bài viết về chủ đề thiệt lớn lao hay thiệt giản đơn cũng đều sẽ giải quyết được vấn đề của một ai đó, cũng sẽ có người cần.

Tôi biết đã đến lúc “cho đi” nhiều hơn

Thú thật là sau khi hoàn thành chương trình học Master về nước, có tấm bằng Thạc sỹ, tôi mới dám mạnh dạng thể hiện mình nhiều hơn. Trước đó tâm lý ngại ngùng cố hữu thường lấn át tất cả, vì thế tôi không nghĩ mình có khả năng đủ để đứng lớp, chia sẻ ở góc độ chuyên gia hay tổ chức đào tạo cho các em sinh viên.

Giờ đây, tôi tự tin hơn với nền tảng có được sau một quá trình phấn đấu, cộng thêm phần quan trọng không thể thiếu là kỹ năng viết lách đủ đầy. Tôi thấy mình dồi dào năng lượng hơn bao giờ hết để làm thật nhiều việc và trao đi thật nhiều giá trị:

  • Tôi được mời về dạy về các lớp Truyền thông tích hợp (ICM), Quan hệ công chúng (Modern PR), Viết nội dung Quảng cáo tiếp thị số (Content MKT)
  • Trở thành Trainer chuyên tổ chức các workshop trong dự án Giáo dục cộng đồng miễn phí cho các em sinh viên về định hướng nghề nghiệp và các kĩ năng mềm.
  • Trở thành cây bút “Chuyên gia” của các Học viện chuyên đào tạo về Truyền thông Marketing
  • Tạo ra chiếc blog này, chia sẻ kiến thức về MMO, MLM, Kiến thức Tài chính & Đầu tư cho người mới, người không chuyên
  • Trở thành người kể những câu chuyện về hành trình phát triển và hoàn thiện bản thân, truyền cảm hứng đến những người cùng chí hướng

 

Tôi kể ra những điều này để bạn thấy chuyên môn nghề nghiệp và những kĩ năng như chia sẻ, giảng dạy và viết lách có thể bổ trợ qua lại, tạo ra được một tổ hợp rất lớn những cơ hội công việc cho chúng ta. 

My Dương
Công việc viết lách mang cho tôi niềm tin lớn lao về tương lai làm việc tự do tự tại

Trở lại câu hỏi tôi có bỏ dở ở đầu bài: “Liệu có phải cứ học các môn Tự nhiên thì sẽ dễ xin được việc hơn những khối ngành Xã hội không?“. 

Câu trả lời của riêng tôi là: không nhé 🙂 Thật ra với những bạn mạnh về Văn – Anh – một số môn ngoại ngữ, cơ hội bạn đá chéo sân và linh động chuyển đổi giữa các công việc sẽ linh động hơn nhiều.

Tôi khá hối tiếc vì thời cấp 2 không tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi Anh hoặc Văn khi được các thầy cô bộ môn đề nghị. Tôi đã chạy theo những môn Tự nhiên như sự lựa chọn duy nhất trong đời. Thậm chí khi thi vào cấp 3, nhà trường còn chia lớp theo kiểu cứ mặc nhiên những đứa điểm cao là vào lớp Tự nhiên, thấp hơn xíu thì vào ban Xã hội, thấp hơn nữa thì vào ban Cơ bản. Vô hình chung khi nhìn vào đã thấy rõ “nhất bên trọng, nhất bên khinh”.

Nếu thời đó tôi theo hướng Văn chương, hoặc Ngữ văn Anh thì có lẽ tôi sẽ vào Đại học những ngành như Nhân văn, Đông Phương học… Nhưng tính ra đời tôi còn may mắn chán, rẽ dần dần hướng công việc thành ra lại gần khối ngành xã hội hơn, công việc cũng dùng câu chữ là chính. May mắn thế, nên tôi mới khai thác được những thế mạnh của bản thân. Và giờ lại giúp tôi choàng thêm những mảng công việc tạo dòng thu nhập thụ động thứ 2, thứ 3… và hy vọng đến thứ n.

Cụ thể cách tôi tạo thế nào thì bạn cùng đọc bài 3 cách kinh doanh online và theo dõi blog để có câu trả lời chi tiết nhé.

 

Be Gentle,

Love.

08/07/2020 0 comment
0 FacebookTwitterPinterestEmail
thông cáo báo chí
Viết chuyên môn

5 bước soạn Thông cáo Báo chí

by Dương My 08/07/2020

Một trong những công việc chuyên môn tiêu biểu nhất của một người làm công việc Quan hệ Công chúng phải kể đến hẳn là viết: viết Thông cáo Báo chí, viết bài Editorial, bài Advertorial… Trong đó nổi bật là Thông cáo Báo chí, đây được xem là một văn bản chính thống nhất, thông tin chuẩn xác nhất từ một doanh nghiệp, tổ chức công bố ra bên ngoài công chúng mỗi khi có những sự kiện quan trọng cần bố cáo.

  1. Doanh nghiệp gởi Thông cáo Báo chí khi nào?

Có một số lý do tiêu biểu, phổ biến khi doanh nghiệp muốn phát hành Thông cáo Báo chí:

  • Khi muốn ra mắt sản phẩm, dịch vụ mới; khi khai trương chi nhánh mới muốn thu hút sự chú ý của truyền thông
  • Có những chiến dịch xây dựng thương hiệu, muốn giới thiệu thương hiệu đến công chúng nhiều hơn.
  • Hay thậm chí khi có những thông tin quan trọng cần đính chính, doanh nghiệp sẽ dùng Thông cáo Báo chí để cung cấp những thông tin chính thống, đúng đắn.

Ví dụ: AIM Academy sẽ khai trương trung tâm đào tạo thực tế các môn học về ngành Marketing & Communication chi nhánh 2 tại Hà Nội vào tháng 9/2021. Như vậy, sự kiện mà AIM Academy muốn công chúng biết đến chính là việc trung tâm đào tạo này khai trương chi nhánh 2 tại Hà Nội, nhằm nâng cao danh tiếng và thu hút học viên ở khu vực miền Bắc.

viết thông cáo báo chí
Thông cáo Báo chí là văn bản cập nhật những thông tin chính thống của Doanh nghiệp đến với báo giới và công chúng

 

2. Mối liên hệ giữa Thông cáo Báo chí và bản tin lên báo

Có thể nói sự kiện doanh nghiệp chính là nguồn của bản tin trên báo, bởi những bài viết trên mặt báo đều phải dựa vào những sự kiện, sự việc có thật trong đời sống xã hội, trong doanh nghiệp.

Vậy làm thế nào để tạo ra một bản tin báo từ sự kiện trong doanh nghiệp của bạn? Ý ở đây là thể hiện sự chủ động của Doanh nghiệp trong việc tạo ra tin tức, tiếp cận báo chí thay vì để mình ở thế bị động. Như vậy, Thông cáo Báo chí có thể phát huy tối đa vai trò trong những trường hợp này. Từ Thông cáo Báo chí, doanh nghiệp có thể khéo léo lồng ghép những thông tin mình muốn truyền tải đến với giới báo chí một cách chính thức.

Tuy nhiên cũng cần lưu rằng, mỗi tuần một toà soạn báo thông thường có thể nhận hàng chục hoặc hàng trăm bản Thông cáo Báo chí, và không phải bản nào cũng được chuyển thành bản tin và đăng tải trên báo, mà phần lớn đều được cất rất kĩ trong hộc tủ. Lý do là vì thông tin từ những doanh nghiệp này không chuẩn, không đầy đủ, không hấp dẫn, không đủ dữ liệu thuyết phục, không có giá trị để khai thác.

Vậy hãy đọc phần bên dưới để biết thế nào là viết chuẩn, đẩy đủ và hấp dẫn nhé.

“Có thể nói sự kiện doanh nghiệp chính là nguồn của bản tin trên báo, bởi những bài viết trên mặt báo đều phải dựa vào những sự kiện, sự việc có thật trong đời sống xã hội, trong doanh nghiệp.”

My Dương

 

3. Kỹ thuật viết một bản tin, bài báo

Khi chưa được hướng dẫn, những người mới vào nghề đều viết Thông cáo Báo chí như viết văn, có mở bài – thân bài – kết luận như thời còn đi học. Và tất nhiên, Thông cáo Báo chí không phải là một bài văn, không có mở bài, cũng không có kết luận; cần viết thẳng vào nội dung chính và cung cấp cho người đọc những thông tin rõ ràng, cụ thể.

 

3.1 Công thức 5W + H:

Một bản tin hay một Thông cáo Báo chí tốt là khi đọc vào nắm ngay được những nội dung cơ bản, chính yếu nhất như sự kiện của ai, diễn ra ở đâu, diễn ra khi nào, hậu quả/ kết quả ra sao… Còn nếu đã đọc đến hơn 1/2 bản Thông cáo Báo chí nhưng người đọc vẫn không thể nắm được bản tin muốn nói điều gì, thì đó là một bản tin dở, không thể đăng tải được.

Để giải quyết điều này rất đơn giản, chỉ cần người viết bám sát công thức 5W + H, nghĩa là:

When: Khi nào diễn ra?; Where: Diễn ra ở đâu?; What: Sự kiện gì? Có tính chất ra sao?; Who: Ai? Liên quan đến ai?; Why: Tại sao lại có sự kiện này?; How: Sự kiện, sự việc diễn ra như thế nào?

Mô hình 5W-1H
Bám sát công thức 5W + 1H sẽ đảm bảo đủ những thông tin quan trọng nhất của một bài Thông cáo Báo chí

Ví dụ: Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2021 – Trung tâm đào tạo thực tế các môn học về ngành Marketing & Communication AiM Academy (AIM Academy) khánh thành chi nhánh 2 tại địa chỉ số 80 đường Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nhằm mang đến môi trường “Học thực tiễn, làm chuyên nghiệp” cho các học viên sống tại Hà Nội và các tỉnh phía bắc.

Ban Giáo vụ trung tâm AiM Academy đã chiêu mộ đội ngũ giảng viên dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực Truyền thông Marketing cũng như cung cấp hệ thống khoá học đa dạng đã được nghiên cứu và thử nghiệm thời gian dài. Trung tâm hứa hẹn sẽ là điểm đến học tập chất lượng, xứng đáng là sự lựa chọn hàng đầu cho những ai tìm kiếm kiến thức hữu ích, mở ra những cơ hội công việc mới.

Phân tích ví dụ: When: tháng 9 năm 2021; Where: số 80 đường Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; What: AiM Academy khánh thành chi nhánh 2 tại Hà Nội; Who: AiM Acedemy, các học viên sống tại Hà Nội và các tỉnh miền bắc; Why: mang đến môi trường “Học thực tiễn, làm chuyên nghiệp” cho học viên; How: cụm thông tin diễn giải chi tiết ở đoạn 2.

 

3.2 Cách đặt tiêu đề của một bản tin báo chí:

Mỗi bài Thông cáo Báo chí hay bản tin đều có tên tiêu đề, hay chuyên ngành báo chí thường gọi là “tít”. “Tít” là một bộ phận quan trọng của toàn bộ bài viết, luôn được viết chữ lớn, đặt ở vị trí bắt mắt nhất và mang nhiệm vụ thu hút sự chú ý của người đọc. Tít bài sẽ quyết định người đọc lựa chọn đọc hay không đọc bài báo đó, nếu tít bài nhàm chán không thu hút thì cũng sẽ không ai đọc đến nội dung bên dưới dù thông tin có giá trị thế nào.

  • Một số gợi ý trong việc đặt tiêu đề:
  • Tít cần xúc tích, dễ hiểu, gói gọn khoảng 11 từ
  • Tít không cần phải là một câu hoàn chỉnh đủ chủ ngữ, vị ngữ, điểm mấu chốt là phải chứa được thông tin quan trọng nhất mà tác giả muốn truyền tải
  • Tít nên chứa thông tin cụ thể, có số liệu càng tốt, không nên viết chung chung; nên chứa từ ngữ khơi gợi sự tò mò
  • Nếu nội dung dài, có nhiều mục nhỏ thì nên có tít phụ, từ chuyên môn là sub-headline

 

3.3 Tính chính xác và có thật của sự kiện:

Khi doanh nghiệp cung cấp thông tin cho báo giới thông qua bản Thông cáo Báo chí thì điều đầu tiên và quan trọng nhất cần đảm bảo tính là TÍNH ĐÚNG ĐẮN và TÍNH ĐẦY ĐỦ của thông tin. Nếu vì một lý do nào đó mà doanh nghiệp cung cấp thông tin không chính xác, báo giới dùng thông tin ấy đăng tải mà không kiểm chứng thì trở thành giả dối, lừa bịp, ảnh hưởng đến quyền lợi và sự tín nhiệm của người đọc.

Trên thực tế hẳn các bạn từng đọc thấy nhiều tin tức trên báo do một số doanh nghiệp có hành vi chơi xấu trong kinh doanh công bố những thông tin không chính xác nhằm “dìm” đối thủ, cánh báo chí nếu không có bước kiểm nghiệm mà vội vàng đăng tải sẽ làm ảnh hưởng những doanh nghiệp chẳng may bị nhắc đến. Nếu có bước đăng thông tin đính chính cũng không chắn công chúng đã đọc được, thậm chí đọc được chưa chắc họ đã tin.

Vì vậy có thể nói đảm bảo tính chính xác và có thật của sự kiện trong các Thông cáo Báo chí và tin báo chính là thể hiện đạo đức nghề nghiệp của người làm truyền thông và phóng viên báo đài.

 

3.4 Mô hình Kim tự tháp ngược của bản tin báo chí:

Theo những thống kê về thói quen tiếp nhận thông tin người đọc, thông thường sẽ chỉ đọc tập trung 1/3 thông tin bên trên của một mẫu nội dung, chính vì vậy mô hình này cũng được khái lược dựa trên nguyên lý này. Cụ thể là những thông tin quan trọng nhất sẽ được thể hiện dày đặc ở phần trên của bản tin, càng về cuối sẽ càng ít quan trọng.

Áp dụng theo nguyên tắc này, khi viết Thông cáo Báo chí bạn cũng nên áp dụng triệt để mô hình này, vậy thì khi biên tập tin bài, biên tập viên chỉ cần cắt bớt những nội dung bên dưới và vẫn đảm bảo những phần chi tiết, thông tin quan trọng.

Nguyên tắc của mô hình Kim tự tháp:

  • Những nội dung quan trọng nhất, thu hút nhất đưa lên ngay đầu bài viết
  • Tít bài viết nằm trên cùng, chứa thông tin chính
  • Càng về bên dưới tính quan trọng của thông tin càng giảm dần
  • Nội dung bên dưới cùng không cần là kết luận mà nên tăng cường thông tin so sánh, tư liệu
mô hình Kim tự tháp ngược đi tin bài, truyền thông hiệu quả
Mô hình Kim tự tháp là hình tượng dễ nhớ của một bài Thông cáo Báo chí chuẩn

 

3.5 Ảnh dùng kèm:

Như chia sẻ chi tiết bên trên, thông tin cần đảm bảo theo công thức 5W + H thì một bức ảnh dùng để minh hoạ nội dung cũng cần lồng ghép được tính chất 5H + H vào trong bức ảnh đó.

Trở lại ví dụ bên trên của chúng ta, thông tin ghi AIM Academy sẽ khai trương trung tâm đào tạo thực tế các môn học về ngành Marketing & Communication chi nhánh 2 tại Hà Nội vào tháng 9/2021, như vậy tấm ảnh minh hoạ tối ưu nhất trong trường hợp này chính là được chụp ngay tại sự kiện đó để người xem thấy được tính xác thực, tính cập nhật của sự kiện, như vậy sẽ hoàn toàn thuyết phục độc giả.

Một số lưu ý khi chụp và chọn ảnh đi tin kèm Thông cáo Báo chí:

  • Phải có chú thích đi kèm rõ ràng, diễn giải cho nội dung bên trong, nếu có các nhân vật quan trọng thì cần ghi chú
  • Khi chụp cần xác định được chủ thể, chủ điểm của tấm ảnh; có mục đích, mục tiêu rõ ràng; không chụp đại, chụp cho có
  • Chụp nhiều tấm, nhiều góc độ: chụp xa để lấy cảnh bao quát, chụp gần để đặc tả, chụp nhiều ảnh để bổ trợ nội dung cho nhau.
  • Chụp nhiều ảnh nên lưu trữ lại dù chỉ dùng 1,2 tấm tốt nhất; ảnh này sẽ được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau về sau.
  • Ảnh trước khi đăng tải nên được xử lý về màu sắc, độ sáng, sắc nét để phát huy hết công năng bổ trợ cho bài viết.
  • Ảnh nên rõ, đẹp, bố cục cân đối, dung lượng lớn để có các xử lý, in ấn khi cần.
cách viết thông cáo báo chí chuẩn chỉnh

Bài viết thuộc chuỗi bài đăng “Góc chuyên gia” trên trang AIM Academy.

Tác giả bài viết: My Dương – Marketer, Trainer & Writer

08/07/2020 1 comment
0 FacebookTwitterPinterestEmail
marketing thật chất là làm gì
Viết chuyên môn

Marketing – Không phải là điều bí ẩn

by Dương My 08/07/2020

Trong bài này, tôi muốn dùng nỗ lực của mình để truyền tải đến các bạn đọc về những nguyên tắc của kinh doanh thực tiễn. Bạn sẽ tự hỏi thực tiễn kinh doanh có liên quan gì đến Marketing? Những nguyên tắc này không phải do tôi tự nghĩ ra, mà đã được các bậc thầy Marketers kiểm chứng qua các thương hiệu nổi tiếng như Coca-Cola, Sprite. Tôi chỉ là một học trò muốn truyền lửa cho các bạn Marketers tại Việt Nam cũng như khẳng định một điều: Marketing – Không phải là điều bí ẩn. Cám ơn quyển sách của Sergio Zyman – Marketing giỏi phải kiếm được tiền đã truyền lửa, nhờ đó tôi có thể định hướng đúng cho mỗi chiến dịch của mình.

Như đã đề cập ở bài trước Marketers – chúng ta có thể làm gì tốt cho doanh nghiệp về khái niệm “Marketing giỏi phải kiếm được tiền”. Ở bài này tôi chia sẻ đến bạn đọc cái nhìn rõ nét hơn về “kiếm được tiền” là như thế nào?

Marketing – Không phải là điều bí ẩn, mà là trái tim của doanh nghiệp

Marketing giúp xác định bạn là ai, bạn làm gì, tại sao bạn làm điều đó, và bạn làm nó cho ai. Sẽ không bao giờ đủ khi client chỉ đi đến và thuê agency thực hiện một dự án. Vậy nên với tôi, Marketing là trách nhiệm chung của client và agency trên mỗi dự án. Thực tế ai là Marketer? – client hay agency? – đã thực thi một dự án thì mọi người phải là một phần của nó. Và để đảm bảo tất cả đồng lòng thì các thành viên cần phải hiểu công việc bán hàng, định vị hàng hoá và đảm bảo rằng khách hàng sẽ mua hàng. Đó là trách nhiệm của marketers bởi vì marketing bao hàm rất nhiều điều – từ định vị thương hiệu cho đến cách bán sản phẩm và cách người tiêu dùng được phục vụ.

Bạn hãy nhớ rằng, cốt lõi của Marketing là xác định được chiến lược đi lâu dài, là trái tim của bất kỳ doanh nghiệp nào đang trong tiến trình khẳng định thương hiệu và trở nên bứt phá trong mọi hoạt động kinh doanh.

Chú Quậy
Marketers dừng để lỡ thời thanh xuân khi làm Marketing.
Marketing là cậu thanh niên khoẻ mạnh, là cô gái đôi mươi tươi trẻ. Marketers dừng để lỡ thời thanh xuân khi làm Marketing.

Ngày trước khi tôi còn làm ở Leo Burnett, mọi người hay tranh cãi về việc Marketing là tất cả những điều kể trên hay liệu nó không khác gì ngoài một quảng cáo đẹp đẽ mà nhãn hàng đặt lên trên mạng xã hội (Digital Platform), hay là những bảng điện tử nhiều màu sắc xuất hiện trên đường phố (OOH: Out of Home). Khi tôi về làm cho client side, đồng nghiệp hỏi tôi liệu Marketing có phải là tạo ra một hình ảnh trong tâm trí khách hàng hay không?!

Dĩ nhiên là nó phải tạo ra một hình ảnh thương hiệu đáng nhớ. Từ góc nhìn một người làm marketing, tôi thấy các suy nghĩ này đều đúng. 

Nhưng khi đứng ở khía cạnh người kinh doanh thì tôi buộc phải có thêm một câu hỏi: “Sau khi bạn làm hết những thứ kể trên thì bạn đạt được gì?”. Có phải bạn chỉ mang đến cho người tiêu dùng những hình ảnh bắt mắt, những câu khẩu hiệu (tagline) thuận tai dễ nhớ, hay người làm marketing sẽ kích hoạt nó để thuyết phục người tiêu dùng mua hàng, và ngày càng mua nhiều hơn, ở giá cao hơn và doanh nghiệp của bạn có thể kiếm được nhiều tiền hơn?

Các Marketers không có quyền nghĩ rằng hoạt động marketing tốt trong quá khứ hoặc có nhiều khách hàng mua sản phẩm ngày hôm qua là kết quả kinh doanh ngày hôm nay, ngày mai, ngày kia của doanh nghiệp luôn ổn. Việc tăng thêm các chiến dịch quảng cáo trên tất cả các phương tiện truyền thông không phải là câu trả lời. Các bạn bắt buộc phải tìm cách bán sản phẩm của mình, quá trình này lặp đi lặp lại liên tục. Và tất cả những gì bạn cần làm trong các chiến dịch marketing là để kết nối với khách hàng. Như tôi đã đề cập ở phần trước, “Làm Marketing là làm gì cũng được, miễn sao chúng ta chiếm được cái chợ (Market) mà ta nhắm đến” – anh Tăng Gia Hải Lam. 

Điển hình tại thị trường Việt Nam, từ năm 2016 – 2019, mọi người sẽ thấy Samsung đầu tư rất nhiều cho quảng cáo dành cho đủ các nhóm đối tượng. Nhưng họ chỉ thành công ở thị phần tầm trung hoặc giá rẻ, trong khi Apple không mất một đồng chi phí quảng cáo nào vẫn có một lượng khách hàng trung thành.

Dựa vào những trải nghiệm của chính mình và những người bạn đồng hành trong các chiến dịch Marketing, tôi luôn chỉ ra rằng các thương hiệu và sản phẩm được tồn tại là bởi vì người tiêu dùng cho phép nó tồn tại. Nhất là trong làn sóng dài tập không hồi kết “Cô Vy giá đáo” thì tôi càng thấy nhu cầu tái thiết lập sự gắn kết với khách hàng trở nên lớn hơn. Chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên chuyển đổi. Thị trường tự do nên người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn. Điều này khiến các marketers quay về bài học căn bản khi làm marketing là phải lấy nhu cầu của người tiêu dùng để làm kim chỉ nam.

Trong giai đoạn loạn lạc như bây giờ, người tiêu dùng đang có nhu cầu gì, làm sao các marketers có thể giải quyết các nhu cầu đó của người tiêu dùng. Làm việc tại bộ phận Truyền thông và tăng năng suất đội ngũ kinh doanh, tôi khám phá ra nhu cầu của một nhóm nhỏ đối tượng muốn kiếm tiền. Nhưng là ở cương vị một doanh nghiệp, một công ty bảo hiểm thì làm cách nào có thể giúp họ kiếm tiền?! Rất may công ty tôi có sản phẩm vừa giúp người tiêu dùng đầu tư vừa đảm bảo tính bảo vệ, việc của tôi là trao đi, tạo sự kết nối giữa khách hàng và đội ngũ kinh doanh, giúp người tiêu dùng có thể đầu tư hoặc có thể tham gia đội ngũ kinh doanh của công ty tôi. Họ đang áp dụng mô hình Marketing đa tầng, hay Marketing theo mạng lưới (MLM – Mutil-Level-Marketing) vào hoạt động kinh doanh – tôi sẽ trình bày khái niệm này ở bài khác để bạn đọc không hiểu lầm tôi đang làm cho một công ty đa cấp.

Vậy người làm Marketers làm được gì cho trái tim ấy?

Thành công của một người làm marketing là xác lập được sự gắn kết với người tiêu dùng có nghĩa là bạn phải đi đến chỗ họ sống, giải thích tại sao họ nên mua sản phẩm mà họ chuẩn bị mua, của nhãn hàng của bạn mà không phải của đối thủ. Điều này áp dụng cho tất cả các marketers làm ở tất cả các lĩnh vực trong tất cả thị trường, ở tất cả phân khúc và bằng tất cả ngôn ngữ. Thương hiệu giống như một mối quan hệ. Marketing đang thiết lập mối quan hệ đó, và đảm bảo người tiêu dùng hạnh phúc với thương hiệu mà họ chọn. Việc thấu hiểu phân khúc khách hàng của bạn và hiểu rõ khách hàng của bạn làm gì và những điều gì lôi cuốn họ, bạn sẽ gửi thông điệp cần gửi. Khách hàng sẽ tiếp cận bằng sự chủ động và tích cực. Và cuộc hôn nhân của nhãn hàng và người tiêu dùng sẽ mĩ mãn.

Đâu đó ngoài kia trong thế giới của marketing, vẫn còn nhiều người giả vờ như họ là những anh hùng Marvel. Chính những câu nói của họ làm hạ chuẩn mực của những marketers chân chính, đại loại như “Bạn không phải là người làm marketing, cho nên bạn không thể hiểu được”, hay “Dự án này sẽ tốn nhiều tiền, nhưng nó sẽ mang lại hiệu quả bất ngờ” hay “Tôi tin chiến dịch này sẽ hiệu quả, bạn không thể đánh giá hiệu quả của nó ngay đâu”. Thời đại đó đã qua rồi, làm marketing nếu không mang về doanh số thì làm marketing sẽ vô nghĩa.

Marketing không phải là điều bí ẩn
Marketing không phải là điều bí ẩn

Sự thật Marketing không phải là điều gì huyền bí. Nó thực sự là một môn kinh doanh quy củ, và nó phải được thực hiện dựa theo những công thức kinh doanh nghiêm túc. Nếu Marketer không nhận ra điều đó và nếu họ không chịu thay đổi không chỉ là ở nhận thức mà cả thực tế những gì họ đang làm, thì sau này họ không chỉ bị đào thải khỏi công việc, mà cả công ty họ đang làm việc cũng sẽ thất bại. Và điều đó hẳn sẽ ảnh hướng rất lớn đến uy tín của ngành Marketing trong thị trường.

Tôi yêu Marketing, và hy vọng các bạn cũng vậy. Đừng để chúng ta rơi vào chiếc bẫy của Marketing. Đừng bị lúng túng bởi vẻ hào nhoáng, những giải thưởng, những buổi diễn thuyết, hay là những chuyến du lịch sang trọng. Hãy nhớ làm Marketing là làm tốt công việc bán hàng, và đừng cố gắng che giấu sự thất bại bằng cách dán nhãn “Marketing là phép màu”. Bởi Marketing không phải là điều bí ẩn.

Ngày nay, tại hầu hết công ty, Marketing đang không hiệu quả và do đó bị coi là một hoạt động không cần thiết. Nhiều người sẽ bất đồng quan điểm, nhưng thực tế khi nào ngân sách bị siết chặt, Marketing là một trong những hạng mục đầu tiên bị cắt đi. Với niềm tin và tình yêu, tôi tin rằng Marketing là một môn khoa học, chi tiền cho Marketing là một sự đầu tư và sẽ mang về lợi nhuận.

Tác giả bài viết: Chú Quậy – Marketer, Trainer & Writer.

Liên hệ nếu bạn muốn học hỏi thêm về Marketing và con đường phát triển nghề nghiệp:

#bloggerMyDuong #tgwwriters

-“-“-“-“-“-“-“-“-

Chiếc blog được tạo bởi Blogger My Dương

Web: https://duongmy.com/

IG: https://instagram.com/blogger_tgwwriters

Page: https://www.facebook.com/TheGentlewomanWriter

Pin: https://www.pinterest.com/Blogger_TheGentlewomanWriter/

08/07/2020 0 comment
0 FacebookTwitterPinterestEmail
cách viết thông cáo báo chí chuẩn chỉnh chuyên nghiệp
Viết chuyên môn

Thông cáo Báo chí chuẩn chỉnh – Phần 2

by Dương My 08/07/2020

Ở phần 1, chúng ta đã cùng tìm hiểu những kiến thức căn bản nhất về Thông cáo Báo chí cũng như trang bị cho mình công thức 5W +1H để có thể viết được một bản chuẩn chỉnh.

Phần 2 sẽ tập trung tìm hiểu về quy trình soạn thảo từ lúc bắt đầu đến khi thành hình và có thể phát hành Thông cáo:

4. Quy trình soạn thảo một Thông cáo Báo chí

4.1 Xác định chủ đề và thông điệp

Một trong những nguyên tắc mà người làm công việc viết nội dung luôn phải nhớ chính là “single minded”. Nghĩa là nên truyền tải một thông điệp duy nhất trong mỗi ấn bản nội dung ra lò. Thông cáo Báo chí cũng không nằm ngoài nguyên tắc đó.

Một bài tốt cần có một nội dung chủ điểm hay nói cách khác là một chủ đề nhất định. Tất cả những yếu tố 5W + 1H đều tập trung làm rõ chủ điểm đó, từ ai? cái gì? như thế nào? tại sao?. Tất cả đều tập trung hướng về chủ điểm, khi xác định được rõ thì người viết sẽ không rơi vào vô định.

Quay trở lại phân tích trên ví dụ ở phần 1:

Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2021 – Trung tâm đào tạo thực tế các môn học về ngành Marketing & Communication AiM Academy (AIM Academy) khánh thành chi nhánh 2 tại địa chỉ số 80 đường Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nhằm mang đến môi trường “Học thực tiễn, làm chuyên nghiệp” cho các học viên sống tại Hà Nội và các tỉnh phía bắc.

Ban Giáo vụ AiM Academy đã chiêu mộ đội ngũ giảng viên dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực Truyền thông Marketing. AiM cũng cung cấp hệ thống khoá học đa dạng đã được nghiên cứu và thử nghiệm thời gian dài. Đây sẽ là điểm đến học tập chất lượng, xứng đáng là sự lựa chọn hàng đầu cho những ai tìm kiếm kiến thức hữu ích, mở ra cơ hội công việc mới.

Chúng ta thấy AiM Academy có thể “nói” khá nhiều điều với công chúng, ví dụ như:

  • Sắp khai trương chi nhánh mới
  • Mở rộng thị trường hoạt động
  • Có đội ngũ giảng viên dày dặn kinh nghiệm, có hồ sơ năng lực ấn tượng
  • Sẽ mang đến một môi trường học tập tuyệt vời
  • Tiên phong trong lĩnh vực đào tạo thực tiễn chuyên nghiệp
  • Cung cấp nhân sự chất lượng cho ngành Truyền thông, Marketing cả ở client side lẫn agency side.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ của một Thông cáo, AiM Academy không thể chia sẻ tất cả những điều trên. Họ phải chọn điểm cốt yếu nhất làm chủ đề và thông điệp cho Thông cáo này, tất cả yếu tố 5W + 1H sẽ xoay quanh làm rõ chủ điểm đó. Trong đoạn ví dụ ta thấy AiM Academy đã quyết định tập trung nói về “Chúng tôi sắp khai trương chi nhánh mới” để soạn thảo và phát hành Thông cáo Báo chí.

4.2 Dự đoán các tình huống và hướng xử lý:

Thông cáo khi được phát hành, Doanh nghiệp luôn kì vọng sẽ thu hút được nhiều nhất sự quan tâm của công chúng. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ nhận rất nhiều ý kiến, quan điểm đa chiều với cùng một nội dung đề cập đến. “Chín người mười ý” thể hiện rất rõ trong trường hợp này.

Tất cả các luồng ý kiến có thể tích cực ủng hộ, trung hoà hay thậm chí tiêu cực, phản đối. Và người làm truyền thông khi hoàn thành bài viết tính đến những trường hợp này và có hướng xử lý hiệu quả nhất cho Doanh nghiệp.

Cách cơ bản nhất là người viết cần đảm bảo tính chính xác và có thật của sự kiện <link về mục 3.3 bài 1> , mọi thông tin trong Thông cáo Báo chí đều có thể chuẩn bị giấy tờ, tài liệu chứng minh đi kèm.

Việc dự đoán các tình huống và hướng giải quyết cũng góp phần giúp cho Doanh nghiệp thận trọng hơn trong những nội dung đưa vào Thông cáo. Đồng thời giúp Doanh nghiệp lưu ý rà soát, kiểm chứng lại tất cả thông tin đã đưa ra.

My Dương

Cẩn trọng trong khâu soạn thảo Thông cáo Báo chí là điều tối quan trọng
Người soạn thảo Thông cáo Báo chí càng chi tiết ở những bước đầu bao nhiêu
thì càng thong thả ở những bước sau bấy nhiêu

4.3 Thực hiện soạn Thông cáo Báo chí:

a. Tóm tắt nội dung sự việc:

Đầu tiên người viết cần xác định rõ các yếu tố 5W + 1H, đưa vào phần tóm tắt cô đọng dưới 300 từ. Nếu có yếu tố nào còn chưa rõ ràng thì cần tìm hiểu làm rõ trước khi chính thức bắt tay vào soạn thảo bản hoàn chỉnh.

Sau đó kiểm tra lại các tài liệu, thông tin liên quan đến các phần nội dung trong bản tóm tắt, đảm bảo các chi tiết nhỏ nhất có giấy tờ hỗ trợ chứng minh, có thể yêu cầu các bộ phận liên quan kiểm chứng.

b. Bổ sung những thông tin liên quan:

Sau khi có được những thông tin chính ở phần trên giống như xương sống của bài, người viết cần tiếp tục đắp thêm da thêm thịt để bài viết được tròn đầy, rõ nghĩa.

Trong ví dụ bên trên, có thể thêm các ý như:

  • Sự kiện khai trương cơ sở mới của AIM Academy có sự tham gia của những thành phần nào?
  • Nhằm chào mừng sự kiện này, AiM có chương trình ưu đãi giảm giá cho 100 học viên đầu tiên đăng kí…

c. Nêu thông điệp đánh giá của Doanh nghiệp:

Thông thường thông điệp này sẽ từ những người đứng đầu tổ chức, là đại diện phát ngôn của Doanh nghiệp đó chứ không phải thể hiện ý riêng của người trực tiếp viết Thông cáo Báo chí. Nội dung thông điệp cần rõ ràng, ngắn gọn và xúc tích, thể hiện rõ ý chí của người đứng đầu.

Phát triển tiếp ví dụ trên:

Bà Phạm Thị Diệu Anh – Giám đốc Điều hành AiM Academy chia sẻ: “Việc khai trương cơ sở 2 tại Hà Nội đánh dấu một bước tiến dài trong các cột mốc phát triển của trung tâm đào tạo AIM Academy. Chúng tôi hân hoan vì giờ đây đã có cơ hội tạo ra môi trường học tập thực tiễn cho các bạn trẻ khu vực miền Bắc nước ta. Từ đây, chúng tôi hy vọng có thể mở ra nhiều cơ hội cho những ai muốn tìm đến với Marketing một cách bài bản và có tính ứng dụng cao. Song song đó, chúng tôi cũng trở thành một địa chỉ đáng tin cậy góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cho lĩnh vực Truyền thông Marketing”.

Như vậy, người đứng đầu tổ chức này là bà Phạm Thị Diệu Anh đã đại diện nói ra thông điệp, mong muốn của trung tâm thông qua bản thông tin gởi đến báo chí này.

d. Bổ sung phần thủ tục (tiêu đề, số hiệu, ngày phát hành, thông tin liên hệ…)

Sau khi hoàn chỉnh 3 bước trên là ta gần như hoàn thành 80% bài viết, giờ chỉ cần bổ sung một số ý sau:

  • Hoàn chỉnh phần mở đầu: Header có logo, nhận diện thương hiệu Doanh nghiệp; địa điểm, thời gian xảy ra sự kiện…
  • Hoàn chỉnh phần kết thúc: luôn có đoạn “About Us – Về chúng tôi” giới thiệu những thông tin cơ bản về Doanh nghiệp đã được soạn thảo sẵn và được duyệt để chính thức sử dụng; thông tin người tiếp nhận liên hệ vấn đề về truyền thông…

4.4 Chuẩn bị và sẵn sàng trả lời báo giới:

Về nguyên tắc, Thông cáo Báo chí nên được phát hành thông qua một buổi Họp báo với sự tham gia đầy đủ của Ban Giám đốc Doanh nghiệp và phóng viên báo đài.

Hoạt động của một buổi Họp báo thường bao gồm:

  • Phía Doanh nghiệp trình bày, chia sẻ thông tin, đây chính là các nội dung đã được đề cập trong bài Thông cáo.
  • Phía báo giới: có khoảng 15 phút cho phần Q&A – Hỏi và Trả lời những nội dung liên quan hay khai thác sâu hơn các vấn đề mà Doanh nghiệp vừa trình bày.

Như vậy về phía Doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ các nội dung, tài liệu, chứng cứ… để tự tin bước vào buổi Họp báo. Để buổi Họp báo diễn ra suôn sẻ và chuyên nghiệp, bộ phận Truyền thông, hay cụ thể là người làm công việc Quan hệ Công chúng cần có sự dự liệu những câu hỏi có thể xảy ra và chuẩn bị sườn ý các câu trả lời. Khi chuẩn bị càng kĩ lưỡng sẽ càng giúp cho Cấp Lãnh đạo tránh được những tình huống khó xử, ấp úng do không thể trả lời câu hỏi.

chuẩn bị đầy đủ những thông tin cần thiết trước khi phát hành Thông cáo Báo chí
Người làm công tác truyền thông cần có sự chuẩn tiên liệu và chuẩn bị đầy đủ những thông tin cần thiết
trước khi phát hành Thông cáo Báo chí

4.5 Kiểm tra lần cuối và sẵn sàng phát hành:

Đứng ở góc độ Doanh nghiệp, mọi thông tin muốn chính thức công bố đều cần có sự phê duyệt từ các bộ phận chức năng như Pháp Chế hoặc các Quản lý Cấp cao. Việc có nhiều bộ phận cùng tham gia vào xét duyệt nội dung như vậy mang nhiều lợi điểm như:

  • Thông tin được chia sẻ đầy đủ trong nội bộ doanh nghiệp
  • Các bộ phận kiểm tra chéo và đảm bảo tính xác thực thông tin cho nhau
  • Nội dung câu chữ đề cập trong Thông cáo vì thế cũng được nhìn nhận đa chiều và thận trọng hơn.

Hãy nhớ rằng một khi Thông cáo Báo chí phát hành ra công chúng giống như một mũi tên rời khỏi chiếc cung vậy, không thể hối hận, không thể thu hồi. Để đảm bảo mọi thứ hoàn hảo nhất, cần ghi nhớ những điều sau đây:

  • Việc đăng bài cải chính thông tin đã đăng trong Thông cáo Báo chí là đại kỵ; điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu của Doanh nghiệp.
  • Nhờ một người khác đọc lại, từ chuyên môn gọi là proof reading: đảm bảo không có lỗi sai về dấu chấm câu, lỗi chính tả; lưu ý các số hiệu, ngày giờ, các con số được đề cập.
  • Đặt nội dung này trên một quy cách chuẩn chỉnh, mang đúng thương hiệu công ty, sang trọng, đẹp mắt.
  • Hãy đặt bản thân vào tâm thế của người nhận, người đọc và trả lời các câu hỏi: mình đọc có hiểu hết nội dung không? mình nhận Thông cáo này có thấy chỉn chu, đẹp mắt và hài lòng không?

Sau tất cả sự tận tâm và bài bản suốt quá trình soạn thảo, giờ là lúc bạn tự tin phát hành bản Thông cáo và gởi những thông tin tốt đẹp nhất của Doanh nghiệp đến cho công chúng.

Bài viết thuộc chuỗi bài đăng “Góc chuyên gia” trên trang AIM Academy.

Tác giả: My Dương – Marketer, Trainer & Writer

08/07/2020 0 comment
0 FacebookTwitterPinterestEmail
  • 1
  • 2
  • 3

About Me

About Me

My Dương – Marketer, Trainer and Writer

Với niềm yêu thích bộc lộ suy nghĩ, chia sẻ kiến thức qua từng câu chữ được viết xuống, mình lập blog này để nhắc nhở bản thân chăm chỉ viết, truyền tải thông điệp tích cực và truyền cảm hứng cho những người luôn người nỗ lực để trở nên ưu tú hơn mỗi ngày.

Recent Posts

  • The Value of Little Things: A Team Building Reflection

    20/08/2024
  • FUNdamentals – Những điều bé nhỏ quý giá

    19/08/2024
  • Con đường sự nghiệp chân ái 

    09/03/2024
  • Phát triển Sự nghiệp song song

    03/03/2024
  • Con số năm cá nhân từ 6-9, có gì hot?

    25/02/2024

Về tác giả

banner
My Dương – Marketer, Trainer and Writer

Một cô gái luôn nỗ lực để bản thân trở nên ưu tú hơn mỗi ngày. Mong muốn sống cuộc đời tự tại như một cánh chim trời.

Xem nhiều

  • 1

    6 chìa khoá vàng đánh giá thông tin và chất lượng nguồn thông tin

    08/07/2020
  • 2

    5 bước soạn Thông cáo Báo chí

    08/07/2020
  • 3

    Ước mơ quan trọng thế nào với người trẻ?

    08/07/2020

Đăng ký

  • Facebook
  • Instagram
  • Pinterest
  • Email

COPYRIGHT © MY DUONG

The Gentlewoman Writer
  • Trang chủ
  • Về tôi – The Gentlewoman Writer
    • BUY ME A TEA
    • Tư vấn 1:1
  • Viết
    • Viết chuyên môn
    • Viết kết nối
    • Viết Kinh doanh
    • Viết phát triển
    • Viết sách
  • Khoá học
    • Đôi nét về Giảng viên
  • Trang Tài nguyên
  • Youtube
  • Podcast